Yearn.Finance là gì?

spot_imgspot_img

Khoảng 1 tỷ đô la đã đổ vào Yearn.Finance kể từ giữa tháng 8. Như vậy, có thể thấy DeFi (tài chính phi tập trung) đang thúc đẩy hầu hết sự phấn khích trong không gian tiền điện tử ngay bây giờ và giao thức Yearn.Finance cũng như token YFI là đang rất thu hút sự chú ý của cộng đồng.

Yearn có rất nhiều thành phần đang chuyển động không ngừng và phát triển mọi lúc, khiến các tân binh yield farmer (người canh tác lợi nhuận) phải tò mò.

Yearn.Finance là gì?

Hầu hết những người trả lời câu hỏi này sẽ nói rằng đó là một cố vấn robot do cộng đồng điều hành nhằm làm phát sinh lợi nhuận, nhưng vấn đề với câu trả lời này là những người mới tham gia DeFi sẽ truy cập trang web và xem tất cả các tùy chọn trên trang nhất: Vault, Earn, Zap, APR, Cover, rồi tự hỏi bắt đầu từ đâu.

Trên thực tế, Yearn.Finance là một cổng thông tin bao gồm các sản phẩm DeFi khác nhau. Và do DeFi hiện có 9 tỷ đô la tài sản tiền điện tử được cam kết nên các trader có thể bắt đầu tham gia thị trường bất cứ khi nào. Nếu điều đó xảy ra, DeFi sẽ có tương lai vô cùng tươi sáng.

“Mục tiêu thống nhất trên mọi sản phẩm của Yearn là tạo ra giao diện trực quan đơn giản cho tất cả người dùng DeFi”, Jesse Walden của Variant Fund cho biết.

Anh chia sẻ thị phần lớn nhất thuộc về các kho tiền (vault), nhưng Yearn cũng đã xây dựng giao diện người dùng cho các sản phẩm DeFi từ các nhóm khác để giúp trader tích cực hoạt động dễ dàng hơn.

Ví dụ: Zap là điểm truy cập cho Zapper.fi (giúp đơn giản hóa việc thực hiện các vị trí phức tạp) và Cover là điểm truy cập vào Nexus Mutual (cho phép người dùng phòng ngừa rủi ro hợp đồng thông minh trên Yearn). APR chỉ là một trang cung cấp cho khách truy cập nơi để theo dõi lợi nhuận từ việc gửi nhiều tài sản khác nhau vào các sản phẩm khác nhau. Ngoài ra, Yearn còn đang thử nghiệm những sản phẩm khác.

Nhưng tất nhiên, Yearn.Finance cũng cung cấp quyền truy cập vào các sản phẩm của chính mình và đó là điều mà mọi người đang xôn xao.

YFI là gì?

YFI là token quản trị giao thức Yearn. YFI thực sự thu hút sự chú ý của mọi người vì cha đẻ Yearn là Andre Cronje đã trao tất cả số tiền đó cho những người có tiền gửi vào một số pool thanh khoản quan trọng nhất định có lợi cho dự án.

Chỉ có 30.000 YFI và tất cả chúng đã được phân phối vào lúc này. Theo các tài liệu, những người nắm quyền quản trị có thể khai thác nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, Tarun Chitra của Gauntlet Network (và cũng là thành viên của bộ phận đa chữ ký gồm 9 người của Yearn, tương đương với một ban giám đốc) không tin rằng điều đó sẽ xảy ra.

“Tôi nghĩ rằng meme ‘không lạm phát’ vẫn tồn tại ở đây. Có nhiều cách khác để hệ thống kiếm tiền”.

Vì vậy, để có YFI ngay bây giờ, người dùng chỉ có thể mua nó.

Để tham gia vào quản trị, chủ sở hữu YFI phải staking YFI của họ; một khi bỏ phiếu, họ sẽ bị kẹt lại trong 3 ngày. Đó là nhược điểm, nhưng đổi lại sẽ kiếm được một khoản phí nhỏ cho việc bỏ phiếu đó. Trong một tin nhắn trên kênh Telegram, Cronje đã mô tả đây là “cổ tức, không phải là chiến lược lợi nhuận”.

Yearn tính phí 5% trên một phần nhất định của một hình thức rút tiền nhất định. Con số đó không thực sự đáng là bao, nhưng nó được sử dụng để duy trì kho bạc 500.000 đô la. Thông thường, kho bạc sẽ có nhiều hơn thế và vào những lúc như vậy, phần dư thừa sẽ phân phối cho những người nắm giữ YFI. Số tiền mà người dùng có thể kiếm được từ một cuộc bỏ phiếu dường như khá khó đoán và ngay bây giờ là không đáng kể.

Chitra nói rằng rất nhiều dự án DeFi đang suy nghĩ về số tiền phải trả cho holder (người nắm giữ) token quản trị và số tiền để dành cho các nhu cầu trong tương lai. Khi điều đó được giải quyết, anh ấy hy vọng lợi nhuận trên YFI sẽ tăng lên.

Đáng chú ý, YFI chỉ trả cổ tức cho holder thực hiện hoạt động bầu cử dựa trên token quản trị của họ.

Sản phẩm Earn của Yearn.Finance là gì?

Với Earn, người dùng có thể gửi bất kỳ loại stablecoin nào trong số DAI, USDC, USDT, TUSD, sUSD và wBTC. Sau đó, Yearn sẽ tìm kiếm nền tảng DeFi mà họ có thể đạt được lợi nhuận cao nhất.

Trong những ngày đầu mà yield farming (canh tác lợi nhuận) mới xuất hiện, mục đích Cronje xây dựng trang web là di chuyển các stablecoin đến nơi tốt nhất để canh tác khi điều kiện thay đổi.

Trong quá trình phát triển, Earn buộc phải trở nên tinh vi hơn.

Do quy mô, Earn không thể chỉ nhìn chăm chăm vào pool có lợi nhuận cao nhất trên Compound hoặc Aave (hai giao thức cho vay cung cấp lợi nhuận cho người nắm giữ stablecoin). Nếu Earn bán tất cả tài sản của mình vào một chỗ, nó sẽ thay đổi đáng kể lợi nhuận. Vì vậy, sản phẩm Earn của Yearn phải cố gắng ước tính mức phân bổ tối ưu và điều đó thay đổi liên tục bởi vì những người dùng khác thường xuyên truy cập trực tiếp và thoát khỏi đó.

Vì vậy, mỗi khi ai đó gửi hoặc rút tiền từ Earn, nó cũng sẽ tái cân bằng để tối ưu hóa lợi nhuận cho cả pool.

Các kho tiền trên Yearn.Finance là gì?

Đây là sản phẩm thực sự khiến người dùng thích thú và là phần mô tả rõ nhất về “cố vấn lợi nhuận robot”.

Spencer Noon của DTC Capital khẳng định:

“Người dùng tham gia các pool để đưa tài sản hiện có của họ vào hoạt động và kiếm được lợi nhuận mà họ không thể tự tạo ra được. Mặc dù các chiến lược này nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro, nhưng người dùng cần hiểu về cơ bản không có cách nào để thoát khỏi rủi ro liên quan đến hợp đồng thông minh, thanh lý (khi sử dụng đòn bẩy) và oracle”.

Các kho tiền (vault) cho phép người dùng nắm giữ tài sản mà họ thích trong khi cũng kiếm được lợi nhuận từ nó (được tính bằng tài sản đó, vì vậy họ có thể phát triển khối tài sản của mình). Ví dụ: những người yêu thích LINK có thể kiếm được LINK bằng cách để Yearn đưa nó vào hoạt động.

Người dùng gửi tài sản vào một nơi nào đó và sau đó Yearn vay các stablecoin so với tài sản đó. Tiếp theo, stablecoin được sử dụng để tìm kiếm cơ hội yield farming, liên tục tái cân bằng khi cơ hội thay đổi.

Tuy nhiên, điều quan trọng là khi đạt được lợi nhuận, Yearn sẽ chuyển đổi chúng trở lại token cơ bản. Vì vậy, ai đó đã gửi DAI cuối cùng sẽ kiếm được một số lợi nhuận bằng COMP, rồi nhận lại tất cả lợi nhuận bằng DAI, vì COMP sẽ được chuyển đổi thành DAI.

Với các tài sản như LINK và bây giờ là ETH, điều này có ý nghĩa khác. Cụ thể, các kho tiền thường xuyên mua LINK và ETH ngoài thị trường và khóa chúng trong các pool thanh khoản của Yearn, làm giảm nguồn cung tiền.

Có rất nhiều người đang long ETH, là những người muốn kiếm lợi nhuận từ yield farming nhưng không muốn bán ETH của họ. Đó chính là điều làm cho pool yETH trở nên hấp dẫn.

Kể từ khi viết bài này, trang thống kê của Yearn cho thấy có 219.250 ETH (dưới dạng WETH) trong pool yETH. Đặc biệt, số liệu tăng nhanh từ 132.000 ngay sau khi ra mắt.

Chuyện gì xảy ra khi người dùng gửi tiền?

Khi người dùng gửi tiền, họ sẽ được nhận lại token đại diện cho phần của họ trong pool thanh khoản.

Đây là một trong những đặc điểm cơ bản nhất của yield farming và cũng là một trong những đặc điểm khó hiểu nhất đối với những người chưa từng làm việc này.

Khi mọi người gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm, họ sẽ không nhận lại được gì ngoại trừ biên lai bằng giấy. Tiền chỉ ở trong tài khoản. Tiền gửi tại các ngân hàng truyền thống được chứng minh và quy đổi bằng danh tính.

Mọi người mặc nhiên cho rằng những sản phẩm như Yearn hoạt động giống như các ngân hàng nhưng thực tế thì không.

Tiền gửi mang lại token và bất kỳ ai hoặc bất kỳ hợp đồng thông minh nào nắm giữ các token đó đều có thể đổi chúng. Đây được cho là điểm cốt lõi của DeFi.

Điều đó có nghĩa là những người gửi DAI trên Compound nhận lại cDAI; trên Aave, họ nhận được aDAI; trên Yearn, họ nhận được yDAI. Token đó đại diện cho khoản tiền gửi và bất kỳ lúc nào cũng có thể được đổi thành tiền gửi cộng với lợi nhuận.

Cách làm này rất hiệu quả vì những token đó có thể được giao dịch hoặc ký gửi ở nơi khác. Do vậy, các token thứ cấp được tạo ra từ bản chất của khả năng kết hợp.

Yearn bắt đầu với stablecoin nhưng hiện tại dần chuyển hướng sang xây dựng các kho chứa cho tài sản khác. Ban đầu, đã có LINK và aLINK (là token có được từ việc gửi LINK trên Aave) và sau đó là ETH. Tiếp theo, sẽ còn nhiều token khác.

Người dùng có thể làm gì với yToken?

Luôn có rất nhiều nơi để đưa token vào tài chính phi tập trung.

Gửi stablecoin khá phổ biến trên Yearn vì người dùng có thể dễ dàng biết được số tiền họ đang kiếm được. Ví dụ: Gửi USDC mang lại lợi nhuận yUSDC, là chứng chỉ tiền gửi cho stablecoin nhưng bản thân nó không phải là stablecoin.

Yearn muốn giúp người sở hữu những yToken này dễ dàng di chuyển giữa các pool stablecoin khác nhau của mình, vì vậy, Yearn đã làm việc với nhà tạo lập thị trường tự động (AMM) Curve để thiết lập pool yUSDC, yDAI, yTUSD và yUSDT. Phương thức này mang lại 2 ý nghĩa chính:

– Đầu tiên, người dùng có yDAI nhưng thực sự muốn có yUSDC có thể dễ dàng thực hiện chuyển đổi tại Curve.

– Thứ hai, người dùng có yDAI có thể tăng thêm lợi nhuận bằng cách thêm nó vào pool này, do đó kiếm được một phần phí giao dịch ở đó. Để tính khoản tiền gửi, họ sẽ nhận lại yCRV.

Nhưng không dừng lại ở đó, họ có thể gửi yCRV vào Yearn và nhận được yUSD (đôi khi được gọi là yyCRV).

Yearn đang làm gì với tất cả các khoản tiền gửi này?

Vấn đề nằm ở đây và các nhà đầu tư không chuyên nên thận trọng. Walden đã rất mong biết được những gì các kho tiền đang làm, cụ thể là kho yETH mới này.

“Nếu bạn muốn tìm hiểu cách những kho tiền này tạo ra lợi nhuận đó thì có rất ít thông tin. Nếu bạn không tự mình kiểm toán mã thì bạn chỉ là đang tin tưởng cộng đồng có đủ sự quan tâm đến nó để đảm bảo hoàn toàn không có lỗi”.

Feel the Yearn hiển thị các mô tả rất sơ bộ về chiến lược cho từng kho tiền với liên kết đến địa chỉ hợp đồng thông minh. Ví dụ, pool YFI liên kết đến C.R.E.A.M., một thành viên thị trường tiền tệ của đám đông DeFi mới.

Vì vậy, liệu nhiều người dùng có thực sự biết đó là nơi mà YFI của họ sẽ kiếm được một khoản lợi nhuận nho nhỏ khác hay không?

Ngoài ra, những mô tả như vậy sẽ rất quan trọng vì đó là nơi khởi đầu để người dùng quyết định xem họ có thể xử lý rủi ro hay không.

Chitra cho biết bài toán giúp người dùng hiểu rõ hơn về rủi ro là lý do chính khiến công ty của anh tham gia.

“Sử dụng những gì hiện có không thực sự là một cách tốt trừ khi bạn thực hiện nhiều phân tích về nó”.

Thậm chí, mã chỉ nói lên một phần của câu chuyện, bởi vì mọi người cũng cần phải hiểu điều kiện thị trường. Với mục đích làm cho mã trở nên dễ đọc hơn, công ty của Chitra và cộng đồng Yearn đang làm việc rất chăm chỉ để thực hiện điều đó.

Tuy nhiên, ở một mức độ nhất định, sự ì ạch của Yearn là một kiểu bảo vệ người dùng của riêng nó. Đó là cộng đồng của những người tin tưởng DeFi.

“Nếu bạn đang có tài chính phụ thì chính là bạn đang có nguồn tài chính phụ. Bạn có lẽ không phải là người dùng bình thường”.

Quản trị hoạt động như thế nào?

Yearn có một diễn đàn quản trị trên trang web của mình giống như hầu hết các dự án DeFi khác. Giao thức có cộng đồng rất tích cực với rất nhiều đề xuất hữu ích.

Một phần quan trọng của quá trình quản trị là mọi người đăng các chiến lược cho các kho tiền khác nhau. Người dùng đăng chúng và nếu được chủ sở hữu YFI bỏ phiếu thông qua, họ sẽ bắt đầu hành động. Một phần lợi nhuận đó được chuyển đến tay người dùng.

Chitra nghĩ rằng Yearn có một trong những cộng đồng quản trị tích cực nhất.

“Điều thú vị là nó tập hợp mọi người từ mọi hướng lại với nhau”.

Chitra phục vụ một thành viên đến từ bộ phận đa chữ ký của Yearn, chia sẻ một số quyền điều hành bổ sung được cộng đồng tạm thời chấp thuận, nhằm giúp dự án phát triển nhanh chóng và thịnh vượng.

Những người dùng hào hứng tham gia quản trị có thể muốn theo dõi Boardroom, nơi gần đây đã tích hợp YFI. Đó là một cổng thông tin để tham gia vào nhiều dự án trong không gian này.

Người dùng có thể phòng ngừa rủi ro bằng cách nào?

Yearn đang bắt đầu xây dựng bộ hệ thống bảo hiểm của riêng mình, dựa trên Nexus Mutual.

Một bài đăng gần đây trên Medium đã mô tả cách người dùng có thể kiếm được lợi nhuận bằng USDC để bảo hiểm hợp đồng yUSD.

Nhiều nhà quản lý bác bỏ và nói rằng đó không phải là bảo hiểm mà là phòng ngừa. Tuy nhiên, tùy cách dùng từ của mỗi người. Cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ bất kỳ ai muốn giảm thiểu rủi ro ở pool yUSD đều có thể bỏ một số USDC vào pool bảo hiểm này và được trả tiền nếu pool thất thoát do bị tấn công độc hại.

YDAO là gì?

YDAO dành cho những những người quá khao khát Yearn đến mức họ sẵn sàng cung cấp YFI để tài trợ các nhà phát triển có ý tưởng tốt cho không gian, lấy cảm hứng từ MolochDAO, là công ty tài trợ cho các cải tiến trên Ethereum. Đặt 0,1 YFI vào sẽ cung cấp cho người dùng một phần trong YDAO. Sau đó, YDAO sẽ xem xét các đề xuất tài trợ dự án có lợi cho cộng đồng Yearn và các cổ đông có thể bỏ phiếu về việc có tài trợ hay không.

Một cách khác mà mọi người đang bày tỏ quan điểm về việc Yearn nên hoạt động như thế nào là tạo fork. “Đã có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Một loạt các fork của Yearn có vài trăm triệu trong đó ra đời”, Chitra nói, chẳng hạn như YFII, Wifey và thậm chí cả YYFI lừa đảo.

Trong những ngày đầu của DeFi, mọi người đã dành rất nhiều thời gian để “suy nghĩ kỹ về cách những thứ này có thể hoạt động”. Nhưng vào năm 2020, “chúng tôi hiện có các công cụ để mọi người thực hiện những dự án thí điểm này. Từ đó, chúng tôi có thể tìm ra cách làm cho nó dễ sử dụng hơn đối với người dùng nói chung”, Chitra nói.

Liệu Yearn có thể thực sự đến được với số đông người dùng?

Có lẽ. Nhưng tại sao khai thác thanh khoản lại phức tạp như vậy.

Khi một dự án DeFi thưởng cho người dùng token mới để cho vay, đó được gọi là khai thác thanh khoản. Người dùng “khai thác” một token mới bằng cách cung cấp tài sản thay vì giải mã thuật toán như với Bitcoin.

Khai thác thanh khoản thường phân phối token với tỷ lệ cố định cho mỗi khối, được chia theo tỷ lệ giữa các khoản tiền gửi trong một khối nhất định. Vì vậy, mỗi người gửi tiền sẽ nhận được ít hơn khi có nhiều tiền gửi hơn. Đây là lý do tại sao rất khó để dự đoán lợi nhuận cho một dự án khai thác thanh khoản đang thịnh hành.

Yearn cung cấp cho những người bình thường quyền truy cập vào các chiến lược nâng cao. Đó là lý do tại sao Chitra cho biết nó giống như Betterment hoặc Wealthfront, các công ty web 2.0 thân thiện với thiết bị di động giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với các chiến lược đầu tư mạnh mẽ.

Noon của DTC Capital cho biết đề xuất giá trị sẽ vẫn còn, ngay cả sau khi “những lợi suất cao ngất ngưởng này” biến mất.

“DeFi sẵn sàng tạo ra giá trị đáng kể trong dài hạn. So với CeFi (tài chính tập trung), DeFi sẽ luôn có chi phí vốn thấp hơn và ít trục lợi hơn ở trạng thái cân bằng. Không thể phủ nhận đây là công thức để được chấp nhận hàng loạt”.

Nguồn: Tapchibitcoin.io

Bài viết liên quan

GỬI PHẢN HỒI

Vui lòng để lại bình luận!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Đọc nhiều nhất

spot_img

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once