Apple đưa ra những quy định liên quan đến NFT cho các ứng dụng iOS, theo đó các nhà phát triển có thể thêm chức năng phân phối và giao dịch NFT trong ứng dụng của mình.
Gã khổng lồ công nghệ truyền thống bật đèn xanh cho NFT, cho thấy độ màu mỡ của thị trường tài sản kỹ thuật số trong tương lai. Apple sẽ thu phí hoa hồng 30% trên hoạt động giao dịch NFT. Những công ty mới nổi về Web3 cũng hưởng lợi, sau khi gia nhập hệ sinh thái Apple sẽ thu hút nhiều người dùng và tăng doanh thu.
Đôi bên cùng có lợi trong tình huống này, nhưng đây có phải hình thức kinh doanh tiềm năng hay tiếp tay cho Apple “bóc lột” người dùng? Đồng thời sự khác biệt giữa trò chơi Web3 và Web2 là gì? Bài viết sau đây sẽ giải thích cho bạn biết.
Thuế Apple đối với NFT
Apple đang kiểm soát chặt chẽ hoạt động trong hệ sinh thái, các ứng dụng này không được chứa các nút, liên kết hoặc kêu gọi người dùng thực hiện giao dịch bên ngoài. Đương nhiên, NFT không phải ngoại lệ và khoản doanh thu 30% của Apple đang bị phản đối mạnh mẽ, khi phí giao dịch trung bình khoảng 2,5% (OpenSea) khi mua NFT.
Hãy nhìn vào thực tế, doanh thu trò chơi trong App Store đã giảm mạnh. Mức giảm doanh thu 5% vào tháng 9 vừa qua là mức giảm cao nhất kể từ năm 2015, chủ yếu do doanh thu trò chơi giảm 14%.
Tim Sweeney, giám đốc điều hành của công ty trò chơi Epic Game, chỉ trích động thái của Apple hoàn toàn là vì tiền, ông nói: “Apple sẽ gỡ tất cả ứng dụng NFT không muốn nộp thuế, dẫn đến phá hủy một công nghệ đang trong giai đoạn đầu.”
Yat Siu, nhà đồng sáng lập công ty trò chơi blockchain Animoca Brands, cho biết lý do tại sao Apple có thể hạn chế NFT là vì vị trí thống trị hiện tại, tuy nhiên theo ông thì Apple sớm phải nhượng bộ bởi vì cơ hội kinh tế của các trò chơi blockchain rất lớn.
Trò chơi Web3 – Kiếm tiền hay trải nghiệm?
So với trò chơi Web2, thì Web3 có nhiều ưu điểm để thu hút người chơi:
Thứ nhất, quyền sở hữu tài sản: Bạn nên biết rằng trong các trò chơi Web2, tất cả doanh thu tạo ra đều thuộc về công ty trò chơi và không liên quan gì đến người chơi. Ví dụ: tài khoản, nhân vật, trang bị, thú cưng,… Ngay cả khi có thể bán lại, người chơi chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu.
Đến khi trò chơi đóng cửa, tất cả những thứ trên bị xóa sạch. Đối với trò chơi Web3, người chơi có thể nhận được các lợi ích liên quan đến NFT, chúng thuộc sở hữu của người chơi và không ai có thể chiếm đoạt.
Thứ hai, tính công bằng về tài sản: Khi trò chơi Web2 phát hành tài sản phiên bản giới hạn, rất khó để người chơi xác thực được thông tin. Công nghệ blockchain giúp giải quyết vấn đề đó, những đặc điểm của NFT đều có thể theo dõi on-chain, do đó tính công bằng trong trò chơi Web3 cao hơn.
Bất chấp điều kiện kinh tế toàn cầu đi xuống, hiệu suất tài chính của các dự án trò chơi Metaverse và Web3 vẫn tốt, khi huy động hơn 7 tỷ đô la tiền tài trợ trong năm 2022, dựa trên báo cáo của DappRadar.
Dù vậy, người dùng vẫn chê bai cốt truyện và đồ họa của trò chơi Web3 rất tệ. Những trò chơi Web3 đình đám như “Grand Theft Auto 5” và “Wild Red”, thì Web3 chưa thể làm được, dẫn đến kén người chơi.
>> Đọc thêm: Người chơi muốn có trải nghiệm thú vị hơn là thu thập token
Solana Mobile – Đối thủ của Apple trong tương lai
Solana Mobile, một công ty con về Web3 của Solana Labs, thông báo sẽ phát triển điện thoại Solana Saga hồi tháng 6, sử dụng hệ sinh thái Android với nhiều tính năng độc đáo mà Thecoindesk đã đề cập.
Mức giá điện thoại khoảng 1.000 đô la, mở bán và giao hàng vào năm 2023, với cửa hàng ứng dụng cài đặt sẵn và hỗ trợ Solana Pay. Solana đang đi đường tắt, xây dựng hệ sinh thái dựa trên công nghệ blockchain trong vòng hai năm và phát triển thêm mảng điện thoại, trong khi Apple cần hàng chục năm để hoàn thiện.
Đây là một trong những hệ sinh thái blockchain được sử dụng rộng rãi nhất, mức phí giao dịch siêu rẻ, tốc độ nhanh là những ưu điểm chính của Solana, họ đang xử lý tình trạng “sập mạng”, nếu khắc phục thành công, ai có thể cản nổi Solana?