Satoshi Nakamoto là ai? Phù thủy Bitcoin và chiếc mặt nạ chưa được lột bỏ

spot_imgspot_img

Satoshi Nakamoto là ai? bài viết này sẽ cung cấp những thông tin thú vị về Satoshi Nakamoto, quá trình khai sinh ra Bitcoin của nhân vật bí hiểm.

Vào một ngày trước Lễ Tạ ơn năm 1971, người đàn ông trạc 40 tuổi bí danh D.B. Cooper lên chuyến bay ở Oregon, Mỹ và nói với phi hành đoàn trong cặp mình có chứa bom. Sau khi đòi 1.2 triệu USD tiền chuộc, anh ta nhảy dù khỏi máy bay và biến mất. Chưa từng có ai lột được “mặt nạ” của tên không tặc khét tiếng này.

Gần 40 năm sau, vào năm 2009, một nhân vật tự xưng là một người đàn ông Nhật 36 tuổi xuất hiện trên “chuyến bay” tài chính thế giới. Nhưng thay vì cướp tiền, người này đã “để lại” 21 triệu Bitcoin, sau đó “nhảy dù” tan biến vào không gian mạng. Hơn một thập kỉ đã trôi qua nhưng nỗ lực giải mã danh tính nhân vật này vẫn giậm chân tại chỗ. Nhân vật đó là Satoshi Nakamoto.

Satoshi Nakamoto là ai?

Satoshi Nakamoto là tên tự xưng của một nhân vật (hoặc nhóm) sáng tạo đồng Bitcoin và khai sinh blockchain đầu tiên cùng tên. Satoshi rất tích cực trong việc phát triển Bitcoin cho đến khi biến mất vào tháng 12/2010.

Mặc dù Satoshi Nakamoto có cái tên mang đậm “chất Nhật” và cũng tự xưng là người Nhật, hầu hết đồn đoán về danh tính thực sự của Satoshi đều liên quan đến các chuyên gia phần mềm hoặc mật mã ở Mỹ hoặc châu Âu.

Phát minh tiền – Người tạo lối đi riêng

Để có tiền, hầu hết chúng ta phải làm việc quần quật, một số người liều lĩnh hơn thì giả mạo hoặc ăn cắp tiền, nhưng Satoshi Nakamoto chọn cho mình lối đi riêng: phát minh ra tiền. Vào tối ngày 3/1/2009, Satoshi nhấn một nút trên bàn phím và tạo ra một loại tiền tệ mới gọi là Bitcoin. Không giấy, đồng hay bạc – tất cả chỉ là 31 nghìn dòng mã và một thông báo trên Internet.

Phát minh của Satoshi được mệnh danh là “vàng kỹ thuật số” vì chỉ bao gồm 21 triệu Bitcoin. Thợ đào “khai thác” Bitcoin bằng cách sử dụng máy tính để giải quyết các vấn đề toán học phức tạp. Máy tính nhanh nhất sẽ giành được nhiều Bitcoin nhất.

Lúc đầu, một Bitcoin được định giá chưa đến 0.01 USD, nhưng các thương gia dần dần bắt đầu chấp nhận đồng tiền mới này, và vào cuối năm 2010, giá trị của nó bắt đầu tăng nhanh chóng.

Giao dịch Bitcoin đầu tiên trong thế giới thực diễn ra vào ngày 22/5/2010, khi một người đàn ông đến từ Florida đồng ý đổi hai chiếc pizza trị giá 25 USD lấy 10,000 Bitcoin, và ngày “Bitcoin Pizza” cũng ra đời từ sự kiện này. Kể từ đó, giá trị của đồng tiền này đã tăng lên theo cấp số nhân.

Nếu Satoshi điều hành thế giới…?

Việc Satoshi náu dưới chiếc áo choàng ẩn danh khiến nhiều người đặt nghi vấn liệu cha đẻ Bitcoin có phải người đứng đầu một kế hoạch Ponzi không. Nhưng có vẻ Satoshi được thúc đẩy bởi động cơ chính trị hơn là tội phạm. 

Không phải ngẫu nhiên khi Bitcoin ra đời ngay sau cuộc khủng hoảng năm 2008, thời điểm thị trường tài chính thế giới bị ảnh hưởng nặng bởi sự sụp đổ của khu vực ngân hàng toàn cầu. Sau thời điểm ngân hàng “quá lớn để có thể sụp đổ” Lehman Brothers đệ đơn phá sản, Satoshi xuất bản một bài luận về tiền tệ truyền thống. 

Vấn đề gốc rễ của tiền tệ thông thường là nó cần niềm tin để có thể hoạt động,” Satoshi viết. “Ngân hàng trung ương được đặt lòng tin để không phá giá tiền tệ, nhưng lịch sử tiền fiat đầy rẫy những lần xúc phạm niềm tin đó”.

Nếu điều hành thế giới, Satoshi sẽ sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đóng cửa Ngân hàng Trung ương châu Âu và dẹp luôn các dịch vụ chuyển tiền nhanh quốc tế. Vì trong hệ thống tiền tệ mới của Satoshi, ngân hàng trung ương và chính phủ không đóng vai trò gì cả.

Blockchain Satoshi tạo ra cho phép mọi người gửi tiền trực tiếp cho nhau mà không cần trung gian và không bên nào khác có thể tạo thêm Bitcoin. “Mọi thứ đều dựa trên bằng chứng tiền điện tử thay vì sự tin tưởng”, Satoshi viết trong một bài luận năm 2009.

Và để “khắc cốt ghi tâm” sự lũng đoạn tiền tệ fiat, trong giao dịch đầu tiên được thực hiện trên blockchain Bitcoin, người sáng lập bí ẩn đã “nhúng” vào một tin nhắn: “The Times 03/Jan/2009 Chancellor on brink of second bailout for banks”.

Tin nhắn đề cập đến tiêu đề một bài báo xuất hiện ngày hôm đó trên tờ The Times ở Anh nói về gói cứu trợ thứ hai cho các ngân hàng, ý chỉ chính phủ Anh đã thất bại trong việc kích thích nền kinh tế.

genesis block

Bài kiểm tra của kẻ nổi tiếng trong giới hackers

Hiện tại, dù vắng mặt “mẹ đẻ”, Bitcoin vẫn khẳng định được giá trị của mình, nhưng vào thời điểm mới ra đời, đồng tiền này là mục tiêu của những “bài kiểm tra” về độ tin cậy. 

Khi tròn hai năm tuổi, vào đầu 2011, Bitcoin rơi vào “tầm ngắm” của Dan Kaminsky, một nhà nghiên cứu hàng đầu về bảo mật Internet. Ông tuyên bố điều tra đồng tiền này và chắc chắn tìm ra những điểm yếu chính của nó.

Kaminsky nổi tiếng trong giới hackers vì vào 2008 đã phát hiện một lỗ hổng cơ bản trên Internet có thể cho phép một coder lành nghề chiếm quyền kiểm soát bất kỳ trang web nào hoặc thậm chí đóng cửa Internet. 

Ông đã cảnh báo Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng như các giám đốc điều hành của Microsoft về vấn đề này và làm việc với họ để vá lỗi. Ông cũng là một trong những bậc thầy lão luyện nhất về “kiểm tra thâm nhập” (penetration testing) – việc khiến hệ thống máy tính bộc lộ những lỗ hổng của mình. Kaminsky cảm thấy Bitcoin là một mục tiêu dễ dàng.

Lần đầu tiên nhìn vào code của Bitcoin, tôi chắc chắn mình có thể bẻ gãy nó,” Kaminsky nói, nhận xét rằng phong cách lập trình của Bitcoin dày đặc và khó hiểu. “Toàn bộ mọi thứ được cấu trúc một cách vô cùng điên rồ. Chỉ những coder cần cù, hoang tưởng nhất thế giới mới có thể không mắc sai lầm trên hệ thống này”, ông nói thêm.

Trong tầng hầm không cửa sổ đầy máy tính ở San Francisco, Kaminsky đi đi lại lại nói chuyện với chính mình, cố gắng hình dung mạng lưới Bitcoin trong đầu. Ông nhanh chóng xác định 9 cách để xâm nhập hệ thống và tìm điểm chèn cuộc tấn công đầu tiên.

Nhưng khi ông tìm được đúng chỗ, một tin nhắn đang chờ sẵn: “Attack Removed” (Tấn công đã bị loại bỏ). Kaminsky thử những chỗ khác, nhưng điều tương tự lặp đi lặp lại khiến ông rất tức giận. 

Ông giống như một tên trộm chắc chắn mình có thể đột nhập ngân hàng bằng cách đào hầm, khoan tường, khoét vách hoặc trèo xuống lỗ thông hơi, những mỗi lần cố gắng lại phát hiện một hàng rào xi măng mới đổ có biển báo khuyên ông về nhà đi. “Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì giống như vậy,” Kaminsky kinh ngạc nói.

Ông chỉ ra những kỹ năng mà Satoshi cần để có thể xây dựng thành công Bitcoin. “Anh ta là một lập trình viên đẳng cấp thế giới, với hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ lập trình C ++,” Kaminsky nói. “Anh ta hiểu kinh tế, mật mã và mạng ngang hàng. Hoặc có một nhóm người đã làm việc này, hoặc anh chàng này là thiên tài”.

Kaminsky không đơn độc trong cuộc đánh giá này. Ngay sau khi tạo ra loại tiền tệ mới, Satoshi đã đăng một bài báo kỹ thuật dài 9 trang mô tả cách thức hoạt động của Bitcoin. Tài liệu đó bao gồm ba tài liệu tham khảo liên quan đến công trình của Stuart Haber, một nhà nghiên cứu tại H.P. Labs ở Princeton.

Haber là giám đốc của Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Mật mã và ông biết tất cả về Bitcoin. “Bất cứ ai làm điều này đều có hiểu biết sâu sắc về mật mã,” Haber nói. “Họ đã đọc các bài báo học thuật, họ có trí thông minh nhạy bén và họ đang kết hợp các khái niệm theo một cách hoàn toàn mới”.

Từ chối ngôi vị “người thay đổi thế giới”

Giá trị của Bitcoin đã có thêm nhiều con số 0, nhưng danh tính của Satoshi đến nay vẫn duy nhất một số 0 tròn trĩnh. Trước khi Bitcoin ra đời, không có hồ sơ ghi nhận bất kỳ lập trình viên nào có tên đó. Satoshi đã sử dụng địa chỉ e-mail và trang web không thể truy vết. Trong năm 2009 và 2010, nhân vật bí hiểm này đã đăng hàng trăm bài viết bằng tiếng Anh hoàn hảo, và dù trò chuyện với những nhà phát triển phần mềm khác nhờ họ giúp cải thiện code, Satoshi không hề tiết lộ bất kì thông tin cá nhân nào.

Đùng một phát, vào tháng 4/2011, Satoshi gửi tin nhắn cho một nhà phát triển nói rằng mình “chuyển sang làm những thứ khác”. Lặng lẽ, vị phù thuỷ Bitcoin đeo mặt nạ phất áo choàng và biến mất vào màn đêm không gian mạng như siêu đạo chích Kaito Kid trong bộ truyện Thám tử lừng danh Conan. 

Bitcoin được mệnh danh là phát minh thay đổi thế giới, và tất nhiên người sáng tạo Bitcoin nghiễm nhiên thừa hưởng danh hiệu ấy, được tôn lên ngai và xưng tụng. Trong thế giới công nghệ hiện nay, điều đó đồng nghĩa với tiền, quyền lực và sự chú ý.

Là người tạo ra tiền, Satoshi có lẽ không quan tâm đến việc có thêm nhiều tiền, nhưng quyền lực và sự chú ý là thứ bùa mê khó cưỡng. Vậy tại sao Satoshi từ chối đặc quyền đó, bằng lòng là một người lặng lẽ ma không biết quỷ không hay?

satoshi nakamoto last goodbye
Tin nhắn của Satoshi Nakamoto trước khi biến mất

Có người cho đây là chiêu trò marketing, vì những điều huyền bí luôn hấp dẫn trí tò mò con người và lôi kéo họ nhập cuộc. Nhưng đã 13 năm kể từ khi Bitcoin ra đời, nếu sự ẩn danh của người sáng lập là một mánh lới quảng cáo, thì chiến dịch này đã kéo dài quá lâu và không còn cần thiết.

Có lẽ Satoshi có lý do chính đáng hơn để che giấu thân phận của mình: những người thử nghiệm với tiền tệ, do đó “mạo phạm” vùng đất thiêng của các thể chế, thường phải trả giá. 

Năm 1998, một cư dân Hawaii tên Bernard von NotHaus bắt đầu chế tạo các đồng xu bằng bạc và vàng mà ông gọi là “Đô la Tự do” (Liberty Dollars). Chín năm sau, chính phủ Hoa Kỳ buộc tội NotHaus vì “âm mưu chống lại Hoa Kỳ”.

Ông bị kết tội và đưa ra toà xét xử. “Việc các cá nhân tạo ra tiền xu hoặc hệ thống tiền tệ tư nhân để cạnh tranh với tiền đúc và tiền tệ chính thức của Hoa Kỳ là vi phạm luật liên bang,” F.B.I. công bố khi kết thúc phiên tòa.

Tiền tệ trực tuyến cũng không ngoại lệ. Vào năm 2007, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đệ đơn buộc tội e-Gold, công ty bán một loại tiền kỹ thuật số có thể đổi thành vàng. Chính phủ lập luận rằng dự án tạo điều kiện cho việc rửa tiền và nội dung khiêu dâm trẻ em, vì người dùng không cần cung cấp xác minh danh tính kỹ lưỡng. Kết cục, chủ sở hữu công ty bị kết tội điều hành doanh nghiệp chuyển tiền không giấy phép và CEO bị kết án nhiều tháng quản thúc tại gia. Công ty nhanh chóng “dẹp tiệm”.

Satoshi dường như đang làm điều tương tự như những nhà phát triển tiền tệ khác – những người chạy trốn chính quyền. Satoshi cạnh tranh với đồng đô la và đảm bảo tính ẩn danh của người dùng, điều này khiến Bitcoin trở nên hấp dẫn với giới tội phạm. Vào mùa đông 2011, một trang web có tên Silk Road ra đời, cho phép người dùng mua và bán heroin, LSD và cần sa miễn là họ thanh toán bằng Bitcoin.

Nhưng Lewis Solomon, giáo sư danh dự tại Trường Luật Đại học George Washington, người nghiên cứu về các loại tiền tệ thay thế, lập luận rằng việc tạo ra Bitcoin có thể hợp pháp. “Bitcoin đang ở trong vùng xám, một phần vì chúng ta không biết nên xem nó là một loại tiền tệ, một loại hàng hóa như vàng hay thậm chí một loại chứng khoán,” ông nói.

Tuy nhiên, vùng xám thì nguy hiểm, đó có thể là lý do khiến Satoshi tạo ra Bitcoin một cách bí mật. Nó cũng có thể giải thích lý do Satoshi xây dựng code với cùng một công nghệ ngang hàng tạo điều kiện cho việc trao đổi phim và nhạc “lậu”: người dùng kết nối với nhau thay vì với một máy chủ trung tâm. Không có công ty để kiểm soát, không có văn phòng để đột kích, và không có ai để bắt giữ.

Cuộc điều tra của các “Sherlock Holmes”…

Nếu vị thám tử tài ba Sherlock Holmes bước ra khỏi bộ truyện của Arthur Conan Doyle, liệu ông có phá được vụ án về danh tính “Phù thuỷ Bitcoin” hay không? 

Trong lúc lấp đầy trí tưởng tượng với cuộc đụng độ giữa hai bộ óc siêu việt này, các “Sherlock Holmes” trong đời thực đã tích cực thu thập “chứng cứ” về nhân vật Satoshi Nakamoto. Cuộc điều tra đã lôi kéo cộng đồng công nghệ, chuyên gia lập trình và thậm chí phóng viên các tờ báo lớn ở Mỹ nhập cuộc.

Nguồn: coin98.net

Bài viết liên quan

GỬI PHẢN HỒI

Vui lòng để lại bình luận!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Đọc nhiều nhất

spot_img

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once