Buổi chia sẻ “Luật sư và Công nghệ Blockchain”

spot_imgspot_img

Thị trường đang trong giai đoạn mùa đông thì chúng ta nên làm gì? Cố gắng kiếm tiền hay tập trung xây dựng dự án? Đối với những doanh nghiệp, đội nhóm lớn có tầm nhìn dài hạn nên sẽ “Build – Build – Build”.

Chúng ta đang sống tại Việt Nam do đó phải chấp hành luật pháp đề ra. Với ý nghĩa là một nơi gắn kết cộng đồng, MetaHub vinh dự là địa điểm được Luật Sư Đào Tiến Phong chọn tổ chức buổi giao lưu Luật sư và Công nghệ Blockchain. Sau đây là bài recap của đội ngũ Thecoindesk để mang lại những thông tin hữu ích cho những anh chị không thể góp mặt trong buổi giao lưu sáng hôm nay.

Buổi chia sẻ bao gồm những mục chính:

  1. Blockchain là gì?
  2. Tiềm năng của blockchain
  3. Ứng dụng của blockchain
  4. Các mô hình kinh doanh và lĩnh vực blockchain phổ biến tại Việt Nam
  5. Tài sản số trên thế giới và tại Việt Nam
  6. Chủ trương chính sách nhà nước về blockchain
  7. Dự án blockchain thường vận hành ra sao?
  8. Các thuật ngữ và khái niệm cơ bản cần biết để tư vấn
  9. Huy động vốn ứng dụng blockchain
  10. Ma trận tư vấn dự án blockchain
  11. Pháp luật hình sự lĩnh vực forex và crypto
  12. Thảo luận

Về Luật sư Đào Tiến Phong

Anh Đào Tiến Phong hiện tại đang là luật sư điều hành của hãng luật Investpush Legal. Đồng thời, anh cũng chính là cố vấn cấp cao của Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Fundgo và cố vấn quỹ đầu tư CRVN, ngoài ra còn nhiều dự án blockchain. Mọi người có thể liên hệ với anh theo thông tin sau:

Email: [email protected]
Mobile: 090 905 8468

Blockchain là gì?

Khái niệm cơ bản đầu tiên Luật sư Phong gửi đến mọi người là về blockchain. Đây là công nghệ mã hóa tất cả dữ liệu thành các khối (block) và liên kết (chain), kết nối chúng lại với nhau. Mỗi khi một thông tin hoặc giao dịch mới xảy ra, thông tin cũ sẽ không bị mất đi mà thay vào đó, thông tin mới sẽ được lưu vào một khối mới và lần lượt được nối vào khối cũ để tạo thành một chuỗi mới.

Khi một khối thông tin được ghi vào hệ thống Blockchain thì không có cách nào thay đổi được, chỉ có thể bổ sung thêm khi đạt được sự đồng thuận của tất cả mọi người.

Những tính chất nổi bật của blockchain:

  • Tính phi tập trung (Decentralized): Không bị bất kỳ một tổ chức nào nắm quyền kiểm soát.
  • Tính phân tán (Distributed): Các khối chứa dữ liệu giống nhau nhưng được phân tán ở nhiều nơi khác nhau. Nếu một nơi bị mất hoặc hỏng thì dữ liệu vẫn còn trên blockchain.
  • Tính bảo mật: Chỉ có người nắm giữ Private Key mới có thể truy cập các dữ liệu bên trong blockchain.
  • Tính minh bạch: Vì các giao dịch trong blockchain được lưu lại, công khai minh bạch nên mọi người có thể kiểm tra và truy xuất lịch sử giao dịch bất cứ nơi đâu.
  • Tính không thể thay đổi: Một khi dữ liệu đã được ghi vào trong block của blockchain thì nó không thể bị thay đổi hoặc sửa chữa bởi vì đặc tính của thuật toán đồng thuận và mã hash.

Tiềm năng của blockchain

Quy mô thị trường blockchain, bao gồm tiền điện tử dự kiến ​​sẽ tăng từ 4,93 tỷ đô la vào năm 2021 lên 227,99 tỷ đô la vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng hằng năm ước tính khoảng 72,9%.

Blockchain mang tới cho các doanh nghiệp sự minh bạch, cắt bỏ những khâu cũng như đơn vị trung gian, đơn giản hóa bộ máy, từ đó giúp tăng hiệu quả và tốc độ vận hành của hệ thống quản trị.

Đối với mảng ngân hàng, ứng dụng blockchain giúp tăng độ minh bạch và an toàn trong việc nhập dữ liệu khách hàng.

Ngành y tế, ứng dụng blockchain sẽ cải thiện chất lượng cũng như tăng độ an toàn và đơn giản hóa việc lưu trữ hồ sơ bệnh nhân với lịch sử bệnh lí và phương pháp điều trị chi tiết cho từng bệnh viện và trong trao đổi thông tin giữa các bệnh viện với nhau.

Ngành giáo dục, dữ liệu của học viên được sao lưu ngay từ khi bắt đầu quá trình học một cách rõ ràng, minh bạch.

Ngành sản xuất: Dây chuyền công nghệ blockchain có thể giúp giám sát quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm, số lượng hàng tồn kho,…

Ứng dụng của blockchain

Hiện tại mọi người biết đến blockchain thông qua tiền điện tử. Tuy nhiên những đồng coin này chỉ là phương tiện sử dụng, trao đổi trong các blockchain. Chúng ta cùng tìm hiểu một số khái niệm đơn giản về tiền điện tử:

Bitcoin: Một loại tiền mã hóa đầu tiên trên thế giới, được phát minh bởi một cá nhân hoặc tổ chức vô danh dùng tên là Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn mở từ năm 2009.  Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp qua Internet mà không cần thông qua một tổ chức trung gian nào.

Altcoin: Những đồng tiền khác không phải Bitcoin

Token: Đại diện của một tài sản hoặc tiện ích cụ thể, thường nằm trên một blockchain nền tảng khác. Về cơ bản, token có thể đại diện cho bất kỳ tài sản nào có thể giao dịch được.

NFT: Viết tắt cho Non-fungible token (tài sản không thể thay thế), là một đơn vị dữ liệu trên blockchain. Nói một cách dễ hiểu, nó là một loại tài sản số hiện diện trên một blockchain. Blockchain này có nhiệm vụ như một sổ cái đảm bảo tính xác thực của tài sản lẫn chủ sở hữu.

Metaverse là gì? Metaverse là một giả thuyết cải tiến của Internet trong đó nó hỗ trợ một môi trường ảo ba chiều bền vững thông qua máy tính cá nhân thông thường cũng như thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường.

DAO là gì? DAO (Decentralized Autonomous Organization) là tổ chức tự quản lý phi tập trung. Khác với các tổ chức truyền thống (như Facebook, Google,…), bằng cách ứng dụng các bộ quy tắc được mã hóa bằng code, chúng có thể hoạt động một cách độc lập mà không cần sự can thiệp của con người.

Web 3 là gì? Phiên bản thứ ba của Internet kết nối dữ liệu với nhau theo cách phi tập trung để mang lại trải nghiệm người dùng nhanh hơn và được cá nhân hóa hơn. Nó được xây dựng bằng trí tuệ nhân tạo, máy học và semantic web (web ngữ nghĩa), đồng thời sử dụng blockchain để giữ cho thông tin người dùng an toàn và bảo mật. Web 3 có tính phi tập trung, mở và đa dạng hóa tiện ích người dùng.

Các mô hình kinh doanh và lĩnh vực blockchain phổ biến tại Việt Nam

Mô hình kinh doanh chính tại Việt Nam chủ yếu là những dự án DeFi và GameFi. Trong năm nay, xu hướng Move-to-Earn chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt dự án, trong đó có một số của đội ngũ phát triển người Việt. Ngoài ra còn có NFT và Web3 với tầm nhìn xa hơn trong tương lai.

Việt Nam đang có sự chuyển dịch đến các ứng dụng non-crypto như dịch vụ, logistics, nông nghiệp, sản xuất. Ứng dụng được quan tâm nhiều là quản lý chuỗi cung ứng, tiếp theo là bảo hiểm, y tế, bất động sản và cuối cùng là định danh điện tử.

Tài sản số trên thế giới và tại Việt Nam

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu từ tài sản trong thị trường truyền thống cho đến tài sản số đang được Chính phủ Việt Nam chú tâm phát triển.

Tài sản là gì?

Theo Khoản 1, Điều 105 BLDS 2015: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Vậy theo pháp luật dân sự Việt Nam thì tài sản được công nhận tồn tại ở 4 dạng:

(1). Vật: Là bộ phận của thế giới vật chất, con người chiếm hữu và kiểm soát được, mang lại lợi ích cho chủ thể, có thể đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai. Như xe, bàn, ghế, điện thoại…
(2). Tiền: Là phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành, được Nhà nước bảo hộ và dùng để định giá các tài sản khác.
(3). Giấy tờ có giá: Là loại giấy tờ trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao, được phát hành bởi các chủ thể được phép phát hành, bao – gồm các loại như cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu chính phủ,…
(4). Quyền tài sản: Là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm các quyền đối với tài sản như quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất,… và các quyền khác như quyền đòi nợ, quyền bề mặt,…

Tài sản trong thị trường truyền thống bao gồm những gì?

Theo Khoản 2, Điều 105 BLDS: Tài sản bao gồm bất động sản (đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật) và động sản (là những tài sản không phải là bất động sản).

Tài sản trong thế giới blockchain được hiểu như thế nào?

Theo Wikipedia, tài sản kỹ thuật số là bất kỳ thứ gì tồn tại ở định dạng kỹ thuật số và đi kèm với quyền sử dụng. Dữ liệu không có quyền đó không được coi là tài sản. Các loại tài sản kỹ thuật số bao gồm, nhưng không giới hạn: biểu trưng, hình minh họa, tranh kỹ thuật số, tài liệu văn bản, thư điện tử, trang web, tài sản dựa trên blockchain.

  • Vào tháng 9 năm 2015 Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ CFTC công nhận Bitcoin và các đồng tiền mã hoá là một loại hàng hoá để giao dịch (không phải tiền tệ).
  • Nam Phi đã phân loại Bitcoin là tài sản vô hình.
  • Mexico hợp nhất Bitcoin kể từ năm 2017
  • Argentina định nghĩa Bitcoin là một hàng hóa trong Bộ luật Dân sự nước mình
  • Cộng hòa Kyrgyzstan: Bitcoin được coi là hàng hóa, không phải là chứng khoán hay tiền tệ.
  • Singapore: Vào tháng 4 năm 2019, MAS gọi bitcoin là mã thông báo thanh toán kỹ thuật số cho các mục đích của Đạo luật dịch vụ thanh toán.
  • Cộng hoà Séc: Bitcoin được coi như là tài sản vô hình.
  • Ukraine: Ban hành luật tài sản số từ ngày 16/3/2022.

Một định nghĩa mới về đồng tiền kỹ thuật số được phát hành bởi các quốc gia đó là Central Bank Digital Currencies (CBDC). Hiện tại có 75 quốc gia đã và đang nghiên cứu thử nghiệm tiền số pháp định, điển hình:

  • Ecuador triển khai thí điểm tiền số pháp định sớm nhất trên thế giới trong những năm 2014-2018.
  • Bank of England năm 2015 đã đề cập đến việc triển khai tiền số pháp định dựa trên công nghệ Blockchain.
  • Ngân hàng trung ương Thuỵ Điển đã đề xuất phá hành đồng e-korona vào tháng 11 năm 2016 và bắt đầu thực hiện minh chứng khả thi vào năm 2020.
  • Tháng 11 năm 2017, Ngân hàng trung ương Uruguay công bố và tiến hành thử nghiệm đồng tiền số pháp định pesos.
  • Tháng 10 năm 2020 NHTW Châu Âu (ECB) đã công bố bản báo cáo về việc đề xuất đồng Euro điện tử và tiến hành thử nghiệm .
  • Trung Quốc từ năm 2014 đã có kế hoạch phát triển đồng tiền số pháp định là Nhân dân tệ điện tử, tháng 4 năm 2020, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm đồng Nhân dân tệ điện tử tại 4 thành phố lớn Thâm Quyến, Thành Đô và Tô Châu.
  • Việt Nam đang nghiên cứu

Chủ trương chính sách nhà nước về blockchain

Blockchain chỉ là một công nghệ như bao công nghệ khác, chẳng qua nó có đặc trưng riêng và có sự đột phá. Do vậy không cần có bất kỳ quy định nào về công nghệ blockchain ở đây cả. Vấn đề chỉ là khi các ứng dụng mới xuất phát từ công nghệ blockchain như crypto, NFT, gamefi,… mà chưa được luật pháp hiện hành điều chỉnh thì tuỳ theo ứng dung đó, chúng có thể bị cấm, chưa được cho phép, chưa có quy định và phần lớn chúng được coi là rơi vào “vùng xám”.

Dự án blockchain thường vận hành ra sao?

Luật sư Phong đưa ra quá trình về cách vận hành của một dự án blockchain:

  1. Founder lên ý tưởng theo xu hướng thị trường.
  2. Xây dựng core team.
  3. Hoàn thiện mô hình dự án, tính số vốn muốn gọi
  4. Tìm kiếm Backer, Advisor, Market Maker,…
  5. Hoàn thiện hồ sơ dự án như Pitch deck, Whitepaper, website.
  6. Bắt đầu hành trình gọi vốn từ vòng angel, seed trở đi
  7. Phát triển UI UX và những thứ liên quan.
  8. Xây dựng cộng đồng trên telegram, twitter, facebook, discord,…
  9. Chuẩn bị cho IDO/ IEO/ Launchpad,…
  10. Triển khai sản phẩm theo roadmap.

Các thuật ngữ và khái niệm cơ bản cần biết để tư vấn

Có vô số thuật ngữ cần tìm hiểu cho những người mới vào thị trường. Do thời gian có giới hạn nên Luật sư Phong giới thiệu một số khái niệm về tokenomics, BNB Chain, Ethereum, liquidity, TVL, Market Cap,… Mọi người có thể tìm hiểu thêm trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Huy động vốn ứng dụng blockchain

Do tư vấn từ hoạt động kinh doanh truyền thống sang thị trường phi tập trung nên chúng ta cần tìm hiểu về việc huy động vốn trên blockchain:

Các doanh nghiệp có thể lập hoặc không lập tư cách pháp nhân cho dự án.

Phát hành token, NFT cho người mua qua các vòng bán như:

  • Seed sales;
  • Private sales;
  • Public sales (IDO…)

Ma trận tư vấn dự án blockchain

Pháp luật hình sự lĩnh vực forex và crypto

Luật sư Phong đưa ra một số điều luật liên quan đến pháp luật hình sự trong lĩnh vực forex và crypto:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Điều 287. Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
Điều 289. Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác
Điều 353. Tội tham ô tài sản

Thảo luận

Chương trình đi đến hồi kết nhưng sự nhiệt huyết của những anh chị tham dự rất lớn. Nhiều câu hỏi hay và “hóc búa” dành cho Luật sư Phong để anh giải đáp những thắc mắc liên quan đến Luật sư và Công nghệ Blockchain.

Trên đây là toàn bộ phần chia sẻ của Luật sư Phong. Series về “Luật sư và Công nghệ Blockchain” sẽ được Metahub đồng hành cùng Luật sư Phong trong các phần tiếp theo. Cảm ơn mọi người đã đón đọc phần recap của đội ngũ Thecoindesk.

Bài viết liên quan

GỬI PHẢN HỒI

Vui lòng để lại bình luận!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Đọc nhiều nhất

spot_img

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once