Ponzi là gì? Mô hình Ponzi hoạt động như thế nào? Tại sao đã được cảnh cáo nhưng nhiều nhà đầu tư Crypto vẫn sập bẫy Ponzi?
Cryptocurrency là thị trường có thanh khoản cao, pháp lý vẫn chưa rõ ràng ở một vài khu vực địa lý nên đây là thị trường hấp dẫn cho tội phạm lừa đảo. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một hình thức lừa đảo tiền điện tử phổ biến hàng đầu trong thị trường Cryptocurrency – mô hình Ponzi là gì?
Ponzi là gì?
Ponzi là mô hình được đặt theo tên của Charles Ponzi, một kẻ lừa đảo người Ý sống tại Bắc Mỹ, người này đã trở nên rất nổi tiếng sau khi nghĩ ra mô hình lừa đảo Ponzi.
Đầu những năm 1920, Ponzi với mô hình của mình đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm nạn nhân. Về cơ bản, mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo đầu tư hoạt động theo cách lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước. Điểm mấu chốt của mô hình này là những người đến sau cùng thường sẽ không nhận được gì cả. Do đó, đây còn được gọi là kim tự tháp Ponzi.
Mô hình Ponzi hoạt động như thế nào?
Một mô hình Ponzi thường sẽ hoạt động theo cách như sau:
Sẽ có một thành viên khởi xướng đầu tiên đứng ra quảng cáo về cơ hội đầu tư gì đó, trong đó người tham gia phải đóng góp $10,000 chẳng hạn. Người này hứa hẹn người tham gia sẽ nhận được lại toàn bộ khoản đầu tư ban đầu, kèm theo đó là 10% lợi nhuận sau một chu kỳ đầu tư nhất định (3 tháng chẳng hạn).
Giả sử nhà đầu tư này kêu gọi được thêm 2 nhà đầu tư tham gia trước khi thời hạn 90 ngày kết thúc. Khi đó, người khởi xướng sẽ trích $11,000 từ khoản $20,000 thu được từ người thứ 2 và thứ 3 để trả lại cho người thứ nhất. Lúc này, nhà đầu tư thứ nhất sẽ bị hấp dẫn và nhiều khả năng tái đầu tư tiếp $10,000.
Bằng cách lấy tiền từ những nhà đầu tư mới, kẻ lừa đảo sẽ có đủ khả năng tài chính để chi trả cho những nhà đầu tư đến sớm, và thuyết phục họ tái đầu tư kèm theo việc kêu gọi theo nhiều người khác tham gia.
Khi hệ thống đã phát triển, người khởi xướng bắt buộc phải tìm kiếm thêm các nhà đầu tư mới gia nhập mô hình để có thể duy trì được khả năng trả lãi đã hứa.
Cuối cùng khi hệ thống đạt tới mức không thể duy trì được nữa, người khởi xướng hoặc sẽ bị bắt, hoặc sẽ biến mất cùng với số tiền thu được từ các nhà đầu tư.
Cách hoạt động của mô hình Ponzi
Tại sao nhiều nhà đầu tư vẫn sập bẫy Ponzi?
Phần lớn các cá nhân đầu tư vào thị trường Crypto để tìm kiếm lợi nhuận, họ có thể đầu tư vào Bitcoin hay các loại Altcoin khác, IEO, ICO,… và đa phần thường quan tâm đến 2 vấn đề:
- Đầu tiên là ROI (Return of Investment), hay còn gọi là tỷ suất hoàn vốn, đại diện cho số lợi nhuận họ có thể thu về từ khoản đầu tư ban đầu.
- Thứ hai, tỷ lệ rủi ro khi thực hiện khoản đầu tư đó. Khi tỷ lệ rủi ro quá cao, các nhà đầu tư có thể mất một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư của mình, khi đó ROI sẽ có giá trị âm.
Về bản chất, bất cứ khoản đầu tư nào đều mang một tỷ lệ rủi ro nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ này đối với các khoản đầu tư vào các mô hình Ponzi là cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Nhưng do ROI được hứa hẹn quá hấp dẫn nên nhiều nhà đầu tư dễ bị mờ mắt trước lợi nhuận mà thường bỏ quên vấn đề về rủi ro.
Cách bảo vệ chính mình trước các vụ lừa đảo Ponzi
Bạn cần cẩn trọng trước các cơ hội trên trời rơi xuống. Luôn thận trọng, đặc biệt trước những lời mời trời ơi đất hỡi vào các cơ hội đầu tư dài hạn, nhất là trong thị trường Crypto.
Các bạn hãy luôn đặt ra nghi vấn. Bất cứ cơ hội đầu tư nào hứa hẹn lợi nhuận ở mức cao, dễ dàng, không rủi ro đều có dấu hiệu không trung thực. Nguyên tắc high risk – high return hầu như đúng trong tất cả các thị trường.
Hiểu rõ bản chất khoản đầu tư. Không bao giờ đầu tư vào những gì bạn không nắm rõ. Phải tận dụng hết các tài nguyên có thể và thận trọng với các khoản đầu tư “bí mật”.
Tổng kết
Như vậy chúng đã tìm hiểu mô hình lừa đảo Ponzi là gì, cách hoạt động cũng như cách bảo vệ chính mình trước các cuộc lừa đảo Ponzi.
Nguồn: coin98.net