Phân tích mô hình hoạt động Olympus DAO – Có phải mô hình đa cấp như “lời đồn”?

spot_imgspot_img

Thị trường DeFi đang trải qua mùa DeFi 2.0 với những cải tiến mới, giải quyết những khó khăn của DeFi 1.0. Olympus DAO là một trong những dự án tiên phong trong xu thế này. Tuy nhiên, staking OHM (native token của Olympus DAO) lại đem đến mức lợi nhuận APY 100,000%, liệu đây có phải mô hình kinh doanh đa cấp? Bài viết này sẽ giải thích rõ mô hình hoạt động của Olympus DAO cho anh em. 

Thông tin cần biết về Olympus DAO

Olympus DAO là Protocol phát triển một loại tiền tệ được bảo đảm bởi ngân quỹ (Treasury), gọi là OHM. Tài sản bảo đảm cho OHM rất đa dạng, có thể là altcoin (ETH), stablecoin (DAI, FRAX), cũng có thể là LP token (OHM-DAI LP),…

Nhờ vào tài sản đảm bảo trong Treasury, Olympus DAO đảm bảo OHM token sẽ không bị mất giá như những stablecoin trên thị trường.

Ngoài ra, Olympus DAO cũng phát triển một nền kinh tế độc đáo dựa trên Game Theories, thông qua 2 cơ chế, Bonding và Staking, chúng ta sẽ tìm hiểu rõ những cơ chế này ở phần sau.

Mục tiêu phát triển của Olympus DAO

Hiện nay có rất nhiều stablecoin trên thị trường được peg 1:1 với đồng USD, tuy nhiên thời gian qua, bởi vì chính sách lạm phát của FED (Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) mà giá trị của đồng USD đã giảm đi rất nhiều, điều này gián tiếp ảnh hưởng đến các stablecoin trên thị trường Crypto, hay nói cách khác, FED có tác động đến thị trường crypto.

Sức mua của đồng USD qua thời gian bởi các chính sách

Olympus DAO không muốn như vậy, do đó, mục tiêu của Olympus DAO là phát triển một hệ thống tiền tệ được quản lý chặt chẽ và được điều hành bởi cộng đồng DAO. 

  • Về dài hạn, Olympus DAO sẽ tập trung vào tính ổn định và nhất quán của OHM để OHM có thể trở thành đơn vị thanh toán và đồng tiền giao dịch trên thị trường.
  • Còn trong ngắn hạn, Olympus DAO sẽ tập trung vào sự phát triển của nền tảng và tạo ra giá trị cho người dùng.

OHM có phải là stablecoin?

Anh em thường nghĩ stablecoin phải là những đồng ổn định ở giá $1 và có tài sản đảm bảo rõ ràng.

Tuy nhiên, stablecoin trong thị trường Crypto có rất nhiều loại, anh em có thể đọc thêm trong bài viết phân tích các loại Stablecoin để hiểu thêm. Một số loại có mức giá trôi nổi (floating) trên thị trường (≠ $1) và vẫn được xem là stablecoin, đó thường là như Algorithmic stablecoin (stablecoin thuật toán) như BAS, ESD,…

OHM là một stablecoin như vậy, là 1 algo-stablecoin có mức giá trôi nổi, không được peg với $1. Thuật toán mà OHM sử dụng là mô hình rebase, mỗi 8h lượng cung của OHM sẽ thay đổi dựa trên tài sản trong ngân quỹ (Treasury).

Ngoài thuộc tính Algo (thuật toán), OHM cũng là stablecoin có tài sản đảm bảo đầy đủ (fully collateralized), mỗi 1 OHM luôn được đảm bảo bằng 1 DAI trong ngân quỹ, trong trường hợp OHM < $1, ngân quỹ sẽ được sử dụng để mua OHM và đốt đi, do đó đảm bảo 1 OHM > $1.

Tóm lại về OHM token, anh em chỉ cần nhớ OHM có 3 yếu tố sau: 

  • Được bảo đảm 100% (Fully collateralized).
  • Có sử dụng thuật toán (Algorithmic).
  • Có mức giá trôi nổi (Free-Floating).

⇒ Theo Zeus – founder của Olympus DAO, thay vì OHM là stablecoin, nên gọi OHM là đồng tiền có dự trữ phi tập trung (Decentralized Reserve Currency).

Mô hình hoạt động của Olympus DAO

Mô hình hoạt động của Olympus DAO:

Mô hình hoạt động Olympus DAO

Tổng quan mô hình hoạt động của Olympus DAO, anh em sẽ thấy có 3 thành phần chính:

  • Bonding.
  • Treasury.
  • Staking.

Thay vì nói về tổng quan cách Olympus DAO hoạt động, mình sẽ đi chi tiết vào 3 thành phần này.

Bonding

Có 2 hình thức giúp anh em có thể kiếm lời với Olympus DAO là Bonding và Staking.

Bonding là hình thức mua OHM ở một mức chiết khấu nhất định, từ 5% – 10% với thời gian vesting 5 ngày.

Đây là hình thức giống như anh em mua trái phiếu trong thị trường tài chính truyền thống, tuy nhiên thời gian đáo hạn ngắn hơn, lợi nhuận cũng cao hơn vì anh em đang chấp nhận đầu tư vào 1 tài sản biến động cao là OHM.

Quy trình Bonding sẽ diễn ra như sau:

Quy trình Bonding của Olypus DAO

(1) Anh em dùng tài sản để mua Bond, tài sản ở đây có thể là stablecoin (DAI, FRAX, LUSD) hoặc cũng có thể là LP token (OHM-ETH LP, OHM-DAI LP).

(2) Anh em sẽ nhận về OHM ở mức giá chiết khấu khoảng 5% – 10%, với thời gian vesting trong 5 ngày. Mức chiết khấu sẽ thay đổi qua từng ngày và được quyết định bởi DAO của Olympus.

(3) Tài sản mua Bond thuộc về Treasury và được lưu trữ làm tài sản thế chấp cho OHM trên thị trường.

Ví dụ: Hiện OHM đang có giá $1,000, anh em có thể dùng DAI để mua OHM trực tiếp từ Olympus DAO với giá chiết khấu -5% là $950/OHM. Điều kiện là anh em phải chịu thời gian vesting 5 ngày, tức thay vì nhận ngay 1 OHM, anh em sẽ nhận 0.2 OHM/ngày.

Ý nghĩa của sản phẩm Bonding

Bonding là sản phẩm rất quen thuộc trong tài chính truyền thống và được Olympus DAO áp dụng lại. Anh em cứ nghĩ OHM là một đồng tiền tương tự như fiat ngoài thực tế, sẽ thấy mô hình này không khác gì trái phiếu. 

Trong thị trường trái phiếu, anh em bỏ ra một khoản cố định để thu về 1 dòng tiền trả lại đều đặn kèm theo lợi nhuận (tức là anh em đang cho người phát hành trái phiếu vay), Bonding trong Olympus DAO cũng vậy, cũng trả cho anh em 1 dòng tiền đều, nhưng thay vì trả Fiat (USD, EUR, VND,…), Olympus DAO trả bằng OHM – đồng tiền mà dự án tin rằng sẽ trở thành tiền tệ (currency) trong Crypto.

Do đó, ý nghĩa của Bonding của Olympus DAO cũng tương tự như Trái phiếu trong tài chính truyền thống.

Với nhà đầu tư, Bonding là một tài sản biến động, có yield, yêu cầu nhà đầu tư phải đưa ra chiến lược cụ thể, dự đoán được hành động giá của OHM, cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận. Đây có thể xem là hoạt động đầu cơ trong ngắn hạn

Tuy nhiên, thời gian đáo hạn Bonding của Olympus DAO chỉ có 5 ngày, do đó để kiếm lợi nhuận cao và liên tục, yêu cầu nhà đầu tư phải có chiến lược đầu tư tích cực và theo dõi thị trường liên tục để có thể tái đầu tư vào Bond.

Với Olympus DAO, Bonding có 2 ý nghĩa chính:

  • Thu về nhiều tài sản để bảo đảm cho lượng OHM trên thị trường, 1 OHM luôn được bảo đảm bằng 1 DAI.
  • Việc thu về các LP token (OHM-ETH LP, OHM-DAI LP) giúp Olympus DAO sở hữu thị trường thanh khoản, Olympus DAO gọi hoạt động này là Protocol Own Liquidity (POL).

Với POL, Olympus DAO nhận được nhiều lợi ích:

  • Olympus không phải trả phần thưởng cao để khuyến khích các nhà cung cấp thanh khoản, hay còn gọi là thuê thanh khoản.
  • Olympus đảm bảo với thị trường rằng thanh khoản luôn ở đó để tạo điều kiện cho giao dịch bán hoặc mua.
  • Tạo thêm thu nhập cho treasury nhờ phí giao dịch.
  • Tất cả POL có thể được sử dụng để bảo đảm cho OHM.

Qua đó, Olympus DAO tạo được nguồn thanh khoản lành mạnh cho OHM, tránh các tình trạng rug-pull vì các LP (nhà cung cấp thanh khoản) lớn.

Hiện Olympus DAO đã sở hữu trên 99.9% thanh khoản OHM (thanh khoản các cặp như OHM – DAI, OHM – FRAX,…) trên thị trường.

Staking

Hoạt động thứ 2 có thể kiếm lợi nhuận trên Olympus DAO là Staking. Đây là cơ chế giúp Olympus DAO chia sẽ lại giá trị và tạo ra thu nhập cho các OHM holder.

Nếu Bonding là một chiến lược ngắn hạn, yêu cầu tính toán liên tục, thì Staking là hoạt động đầu tư dài hạn hơn, nhà đầu tư chỉ cần Staking OHM và nhận về lợi nhuận.

Mô hình hoạt động Staking sẽ diễn ra như sau.

Mô hình hoạt động của Staking trong Olympus DAO

(1) Đầu tiên anh em khóa OHM và nhận về sOHM với tỉ lệ 1:1.

(2) Qua thời gian, Treasury của Olympus DAO hoạt động có lợi nhuận, sẽ chia lại lợi nhuận dưới hình thức sOHM lại cho các sOHM holder, do đó, sOHM của anh em sẽ tăng dần qua thời gian.

(3) Khi không muốn Staking nữa, anh em gửi lại sOHM cho Olympus DAO và nhận về số OHM tương ứng.

Tại sao Staking OHM lại có Yield rất cao?

Olympus DAO tạo ra một mô hình lợi nhuận rất khủng, vào giai đoạn đầu APY có thể lên đến 200,000%. APY cao đến từ 2 nguồn:

  • Lợi nhuận từ Treasury (từ bán Bond, phí giao dịch, lending,…), chúng ta sẽ phân tích rõ ở phần sau.
  • Rebase rate: Hiểu một cách đơn giản, lợi nhuận của anh em sẽ được tái đầu tư liên tục mỗi 8h. Do đó, APY sẽ được tính như sau:

APY = (1 + Rebase rate)^365*3

Lợi nhuận được compound lên khiến APY lên cao, ví dụ Olympus DAO muốn APY target là 100,000%, mỗi ngày Olympus DAO chỉ cần tạo ra nguồn Yield 1.63%. 

APY rất quan trọng với sự phát triển ban đầu của Olympus DAO, bởi mục tiêu ngắn hạn của Olympus DAO là mở rộng dự án.

Tốc độ tăng trưởng nguồn cung của OHM. Nguồn: Dune Analytics

Hiện tại, khi đã đủ lớn, Olympus DAO đã có chính sách giảm bớt nguồn Yield và tập trung vào sự ổn định của dự án. Cụ thể, giờ đây Olympus DAO đã đạt mức nguồn cung 1,000,000 OHM, với APY 5-D tối đa là 0.3058%.

Khi nguồn cung đạt 10 triệu, APY sẽ giảm đi còn 0.1587%, và tiếp tục giảm khi nguồn cung đạt các mốc 100 triệu, 1 tỉ,…

Olympus Treasury

Thành phần quan trọng tiếp theo của Olympus DAO là Treasury.

Treasury được định nghĩa là tất cả tài sản trong Olympus DAO dùng để bảo đảm cho OHM trên thị trường, bao gồm các stablecoin, LP token,… Đây là thành phần quan trọng giúp kết nối 2 sản phẩm Bonding và Staking.

Treasury của Olympus DAO có 2 nhiệm vụ chính:

  • Lưu trữ tài sản, đảm bảo 1 OHM luôn được backed bởi 1 DAI ⇒ Tạo ra sự ổn định.
  • Tạo ra lợi nhuận và phân phối lại cho OHM Staker ⇒ 90% lợi nhuận sẽ được chia lại cho OHM Staker, qua đó thu hút thêm người dùng và phát triển nền tảng.

Hiện tại, lợi nhuận của Olympus DAO Treasury đến từ 2 nguồn: Mua bán OHM và đầu tư.

Nguồn thứ nhất: Mua, bán OHM – Anh em biết rằng OHM luôn được bảo đảm bởi 1 DAI, do đó:

  • Khi OHM < $1: Treasury sẽ dùng tiền để mua lại OHM và đốt.
  • Khi OHM > $1: Treasury sẽ mint thêm OHM và bán ra thị trường (thông qua Bonding).

Sau mỗi lần bán hay mua, Treasury đều thu về lợi nhuận.

Nguồn lợi nhuận thứ hai của Olympus đến từ việc đầu tư – Như anh em thấy, trong Treasury của Olympus có nhiều loại tài sản (stablecoin, LP token), Olympus đem những tài sản này đi đầu tư. Nhưng vì đây là những tài sản bảo đảm cho OHM, Olympus chỉ chọn những loại hình đầu tư an toàn.

Với LP token, Olympus DAO sẽ khóa lại trong pool để kiếm phí giao dịch. Với Stablecoin, Olympus DAO đem đi cho vay để kiếm lãi suất.

Mô hình của Olympus Treasury

(3,3) là gì? Game Theory là gì?

Ở trên mình đã nói qua về các thành phần chính trong Olympus DAO, ở phần này mình sẽ giải đáp 1 số câu hỏi thường gặp khi nói về Olympus DAO mà chính cá nhân mình cũng thắc mắc khi tìm hiểu về dự án này.

Anh em quan sát Olympus DAO nhiều có thể thấy rất quen với cụm từ (3, 3) này, ở bất cứ đâu trong cộng đồng, từ discord, twitter, medium, youtube,… (3, 3) có thể xem như là slogan của Olympus DAO.

(3,3) là trường hợp tốt nhất trong số các trường hợp có thể xảy ra trong “Lí thuyết trò chơi” (Game Theory) của Olympus DAO. Khi đó, mọi người sẽ đều có lợi.

Game Theory là lý thuyết trò chơi được áp dụng vào giao thức, nó sẽ phân tích được hành vi và quyết định của người tham gia. Anh em có thể hiểu đơn giản mỗi user sẽ có điểm point (1), dựa vào các hoạt động thì mức point sẽ thay đổi khác nhau, có 3 hoạt động chính gồm:

  • Staking (+2): Hành động mang lại lợi nhuận cao nhất, vừa giúp tăng giá trị của token OHM và lợi tức cho staker.
  • Bonding (+1): Không được mức điểm cao như stake nhưng bonding cung cấp tài sản cho kho bạc của Olympus.
  • Selling (-2): Hành động này sẽ cản trở việc tăng mức cung cho OHM và gây tình trạng giảm giá nếu số lượng selling tăng cao. Dĩ nhiên là Olympus sẽ không khuyến khích người tham gia Sell trong giao thức, tất cả sẽ được khuyến khích vì lợi ích chung của cộng đồng.

Anh em sẽ thắc mắc vì sao Stake và Sell có giá trị lần lượt là +2, -2 lại có giá trị 3, -3 trong bảng? Vì Stake và Sell là 2 hoạt động có tác động đến giá của OHM. 

Chẳng hạn, khi muốn Stake, anh em phải mua OHM, điều đó làm giá OHM tăng lên, khi đó phần thưởng Stake của anh em cũng sẽ tăng. Vậy nên khi 2 người tham gia Stake, giá trị trị họ nhận về sẽ cao hơn (vì giá cao hơn) và họ sẽ nhận được (3, 3) thay vì (2, 2) như ban đầu.

Ngược lại, khi nhiều người cùng sell sẽ làm giảm giá, đồng thời giảm phần thưởng Stake, tạo nên tác động tiêu cực kép, nên toàn bộ người chơi thay vì chịu (-2, -2) phải chịu (-3, -3). 

Trong khi đó, hoạt động mua Bond không ảnh hưởng gì đến giá nên luôn có giá trị là (+1). 

Giải thích Game Theory và kết cục của Game Theory

Anh em có thể đọc qua về khái niệm cũng như kết cục của Game Theory tại đây để hiểu thêm. Ở đây mình đưa ra 1 ví dụ và giải thích dễ hiểu cách chơi trò chơi này.

Ví dụ: Dưới đây là một trò chơi đơn giản giữa 2 người tù nhân:

  • Nếu cả 2 đều từ chối: Mỗi người chỉ chịu 1 năm tù vì tòa không có đủ bằng chứng.
  • Nếu 1 người thú tội, 1 người từ chối: Người thú tội được thả, người từ chối chịu tù 4 năm.
  • Nếu cả 2 cùng thú tội: Mỗi người nhận 3 năm tù.

Tất nhiên, không ai được biết đối phương sẽ chọn gì.

Nếu là anh em, anh em sẽ chọn từ chối hay thú tội?

Thoạt nhìn, trường hợp cả 2 đều từ chối sẽ tốt nhất, tuy nhiên, rủi ro cũng rất cao vì nếu lỡ bên kia thú tội, mình sẽ lãnh đủ 4 năm.

Do đó, để đưa ra quyết định lựa chọn, chúng ta áp dụng kiến thức xác suất, tính giá trị kỳ vọng (Expected Value – EV):

Trường hợp 1 – Từ chối: Vì không biết đối phương sẽ chọn gì nên xác suất đối phương đầu thú hay từ chối là 50 : 50, do đó, thời gian đi tù kỳ vọng:

EV = 1*0.5 + 4*0.5 = 2.5 năm tù.

Trường hợp 2 – Thú tội: Tương tự như trên, thời gian đi tù kỳ vọng là:

EV = 0*0.5 + 3*0.5 = 1.5 năm tù.

Dựa vào 2 kết quả trên, chúng ta sẽ lựa chọn thú tội (thời gian đi tù kỳ vọng thấp hơn 1.5 < 2.5), mặc dù đây không phải là kết quả khả quan nhất trong 4 trường hợp.

Cá nhân mình đã từng chơi rồi, nên ở đây mình sẽ chia sẻ về diễn biến trò chơi cho anh em.

  • Giai đoạn 1: Lần đầu tiên, thầy giáo chia lớp ra làm 2 nhóm và cho chọn, kết quả ban đầu đa phần cả 2 bên đều chọn từ chối. (Trường hợp 1,1).
  • Giai đoạn 2: Thầy giáo cho đổi lựa chọn liên tục.
    • Lần 2: Thấy nhóm 2 có thiện chí, Nhóm 1 đổi qua thú tội, vì nếu Nhóm 2 giữ nguyên từ chối, họ sẽ được lợi hơn, không ở tù năm nào ⇒ Kết quả cho ra (0;4)
    • Lần 3: Nhóm 2 thấy thế, trong lần 3 này đổi qua thú tội luôn ⇒ Kết quả (3,)
    • Lần 4, lần 5: 2 bên thưởng thảo, có nhóm đổi qua từ chối: Chịu luôn 4 năm tù.
    • Lần n:….
  • Giai đoạn 3: Sau nhiều lần thay đổi, đến cuối cùng, cả 2 nhóm đều chọn thú tội, thầy giáo có cho đổi lại, cả 2 bên cũng không chịu thay đổi. Đây gọi là điểm cân bằng cuối cùng của trò chơi.

Ở đây mình chỉ kể lại nên có thể anh em chưa cảm nhận được tâm lý lúc đó của mình. Game Theory thực sự rất hay và xảy ra rất nhiều trong cuộc sống, đặc biệt là trong kinh tế khi các đối thủ cạnh tranh với nhau. Game Theory có rất nhiều ví dụ khác, anh em nên chơi thử để hiểu về bản chất trò chơi này.

Tóm lại, trong trò chơi này, kết quả là không phải là chúng ta chọn ra trường hợp tốt nhất, mà chọn ra trường hợp an toàn nhất với mỗi người. Khi đạt tới điểm an toàn, cho dù được đổi lại, họ cũng sẽ không đổi.

Áp dụng Game Theory vào Olympus DAO

Hiện tại, tất cả mọi người đang suy nghĩ về (3, 3), đây là trường hợp tốt nhất và tất cả mọi người có lợi. 

Olympus DAO thực sự đã xây dựng được 1 cộng đồng rất đáng tin cậy, trên 90% OHM trên thị trường đều mang đi Staking.

Tuy nhiên, như mình đã phân tích về Lý thuyết trò chơi, (3, 3) không phải là điểm cuối cùng của trò chơi này. Đây là điểm cân bằng tạm thời và không chắc chắn, bởi vì trong số những người tham gia, lợi ích của họ sẽ không giống nhau (Có người nhiều tiền, có người ít tiền, có người vô trước lời to, có người vô sau lời ít,…), vậy nên đến 1 thời điểm nào đó, mọi người sẽ chuyển qua bán (-3, -3).

Khi mọi người Fomo cho (3, 3) càng nhiều, thì khi bán (-3, -3) cũng sẽ càng mạnh. 

Nhưng Olympus DAO là 1 dự án giá trị nội tại riêng, giá không thể về 0 được, sau đợt bán (-3, -3) mạnh sẽ có những người mua lại. Đến cuối cùng, mọi người sẽ chuyển sang mua Bond. Đây là điểm cân bằng cuối cùng của Game Theory. 

Khi đạt đến điểm cân bằng cuối cùng này, mọi người sẽ không chuyển đi đâu nữa, phần lớn mọi người sẽ mua Bond thay vì Stake và bán. Mua Bond không ảnh hưởng đến giá OHM, vừa giúp mở rộng vừa nâng cao giá trị nội tại của OHM, về lâu dài, đây là hoạt động tốt cho Olympus DAO.

Olympus DAO có thể sập không?

Nói về việc sập, có nhiều lý do để nói rằng Olympus DAO sẽ sập:

  • Theo Game Theory, sau (3, 3) sẽ đến giai đoạn người chơi chuyển sang (-3, -3).
  • APY quá cao, OHM được mint ra nhiều.
  • OHM đang được giao dịch ở mức giá quá cao so với giá trị nội tại.

Tuy nhiên, dừng khoảng chừng là 5s, hãy nghĩ xem anh em đã mua bao nhiêu thứ có mức giá cao hơn giá trị cốt lõi?

Cái áo chúng ta mặc, ngôi nhà chúng ta mua, mảnh đất BĐS, cổ phiếu chứng khoán, Crypto,… rất nhiều thứ chúng ta mua cao hơn giá trị cốt lõi, tuy nhiên chúng ta vẫn bỏ tiền ra mua, bởi chúng ta tin rằng chúng xứng đáng với giá trị đó, chúng sẽ tăng trưởng, đem lại nhiều giá trị cho chúng ta trong tương lai.

Đối với Olympus DAO cũng vậy, thay vì nghĩ OHM đang được giao dịch với 4 lần giá trị thực. Anh em hãy suy nghĩ rằng tiềm năng của OHM là bao nhiêu? Vốn hóa hiện tại của OHM có còn tăng trưởng tiếp được hay không?

Khi đó, bài toán sẽ quay về giá trị thực của Olympus DAO. Olympus DAO muốn xây dựng một tiền tệ riêng cho thị trường Crypto:

  • Không bị phụ thuộc vào USD của FED.
  • Có tài sản đảm bảo.
  • Có giá trị trôi nổi trên thị trường.

Đồng tiền tệ riêng cho Crypto là điều rất nhiều dự án muốn làm, đa phần là những dự án về Algo-stablecoin. So với những dự án trước, mô hình của Olympus DAO là rất mới, một tiền tệ có giá cả trôi nổi, nhưng lại có tài sản đảm bảo.

Cá nhân mình luôn ủng hộ những cái mới trên thị trường, nên mình tin Olympus DAO sẽ làm được.

Thay vì suy nghĩ tiêu cực, anh em hãy nhìn vào những cái tích cực mà dự án đang làm được:

  • Mặc dù OHM liên tục được mint ra, tuy nhiên giá trị nội tại của 1 OHM cũng được tăng dần qua thời gian.
  • 99,9% thanh khoản OHM là do Olympus DAO nắm giữ, trong trường hợp Bankrun, luôn có đủ thanh khoản cho anh em, anh em sẽ không bị rug-pull như ở những dự án scam.
  • Lãi suất đang giảm, điều này tạo ra sự ổn định cho OHM về lâu dài.
  • Số người tham gia Staking OHM ngày càng tăng.
  • Càng nhiều đối tác hợp tác với OHM.
  • Olympus DAO đang dẫn đầu cho làn sóng DeFi 2.0.

Đó là những điều rất tuyệt vời mà Olympus DAO làm được trong thời gian qua.

Số người nắm giữ sOHM qua thời gian. Nguồn: Dune Analytics
Giá trị bảo đảm (không tính LP token) cho 1 OHM qua thời gian. Nguồn: Dune Analytics

Cách Olympus tạo ra giá trị cho OHM token

Quay trở lại về lợi nhuận của Olympus DAO, Olympus DAO tạo ra lợi nhuận chính bằng 2 cách:

  • Mua, bán OHM: Kiếm chênh lệch so với giá chuẩn $1.
  • Đầu tư những tài sản trong Treasury.

Ngoài ra, Olympus DAO mới đây đã cho ra mắt Olympus Pro, sản phẩm đem lại cho Olympus DAO 3% doanh thu từ việc bán Bond cho các dự án khác.

Tổng tất cả những lợi nhuận trên, Olympus DAO sẽ chia 10% cho đội ngũ OHM, 90% cho các OHM Staker dưới dạng OHM token.

Anh em lưu ý, lợi nhuận sẽ được chia về dưới dạng OHM token, do đó, mặc dù nhìn chart OHM từ đầu năm đến nay, tưởng như OHM mới về đỉnh cũ, nhưng nếu anh em bật qua chart vốn hóa của OHM thì sẽ thấy sự tăng trưởng rất lớn. Giá trị của OHM sẽ không phản ánh vào giá, mà dùng để mint thêm OHM và chia cho OHM Staker.

Điều đó khuyến khích người dùng tham gia Stake OHM nhiều hơn là đem đi hold, vậy nên mới có rất nhiều người tham gia Stake.

Việc chia lại lợi nhuận cho OHM Staker dưới dạng OHM token cũng hợp lý với Olympus DAO, bởi mục tiêu của dự án là xây dựng 1 ngân hàng trung ương, tiền tệ phải được in ra nhiều để phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dùng, nếu tiền tệ mà có giá quá cao sẽ khiến việc giao dịch, mua bán diễn ra khó khăn. 

Tương lai của Olympus

Có 2 ý chính mình muốn nói về tương lai của OHM.

Thứ nhất, về sản phẩm hiện tại, đồng tiền OHM, OHM đã tạo ra được thành công ban đầu nhờ sự ủng hộ từ cộng đồng, bây giờ lúc Olympus DAO sẽ đi chậm lại, tập trung vào sự ổn định của Olympus DAO. 

Sự ổn định ở đây là sự ổn định về giá của OHM, khi giá của OHM ổn định, không phải là không có cơ hội đầu tư cho người dùng, anh em vẫn có thể kiếm lợi nhuận từ Staking và Bonding, do đó OHM vẫn có thể phát triển tiếp, chỉ là việc giá ổn định sẽ khiến OHM phát triển chậm hơn so với trước, điều này sẽ tốt cho dự án về lâu dài.

Thứ hai, về sản phẩm mới Olympus Pro. Olympus Pro là sản phẩm áp dụng mô hình của Olympus DAO để bán Bond cho các dự án khác, qua đó giúp dự án thu về nguồn thanh khoản lành mạnh.

Mô hình hoạt động của Olympus Pro cũng tương tự những mô hình Bond của Olympus DAO, anh em dùng LP token của dự án, ví dụ FRAX- WETH LP để được mua FXS ở mức giá chiết khấu (5%) sau 5 ngày.

3% số tiền bán Bond sẽ được chuyển về Treasury của Olympus DAO.

Hiện Olympus DAO đã bán Bond cho 7 dự án là Pendle, Alchemix, Stake, Frax, Abracadabra money, Float Protocol, Shape Shift. Tổng giá trị Bond bán được là $4.6 M.

Hiện nay trên thị trường DeFi, anh em đã quá quen với chương trình Liquidity Mining – chương trình thưởng token của dự án để anh em tham gia cung cấp thanh khoản.

Tuy nhiên, nguồn thanh khoản này chỉ có tính nhất thời và không kéo dài lâu, khi chương trình Liquidity Mining kết thúc, thanh khoản cũng mất đi. Do đó, hoạt động Liquidity Mining chỉ được xem như để “thuê thanh khoản”, không phải tạo ra thanh khoản trong dài hạn, mà chi phí cho Liquidity Mining cũng đắt đỏ, đa số các dự án bỏ từ 30% – 40% vốn hóa cho hoạt động này.

Uniswap bị rút thanh khoản vào 10/2020 khi kết thúc Liquidity Mining.

Olympus DAO đã đưa ra 1 ý tưởng mới, thay vì đi thuê thanh khoản từ các LP, Olympus DAO mua thanh khoản ở 1 mức giá chiết khấu, thanh khoản do Protocol sở hữu sẽ là nguồn thanh khoản dài hạn hơn, ngoài ra đem lại một số lợi ích khác như mình đã phân tích ở trên. Chính Olympus DAO là người tạo ra khái niệm POL (Protocol-Owned-Liquidity). 

Đây là một hướng đi mới, giải quyết những khó khăn trên thị trường về vấn đề thanh khoản, tạo hiệu quả sử dụng vốn, và mở ra một xu hướng mới cho DeFi 2.0, đó là “Capital Efficiency”, tối ưu hóa nguồn vốn, giải quyết những thiếu sót của DeFi 1.0.

Hiện tại chỉ  5 dự án tham gia, và chỉ mới $5 M giá trị Bond được bán ra, do đó, Olympus Pro vẫn còn tiềm năng phát triển lớn. 

Nhận xét và kết luận

Trên đây những phân tích về Olympus DAO, một dự án rất nổi tiếng trong giai đoạn gần đây và đang dẫn đầu cho xu hướng DeFi 2.0, giúp giải quyết nhất vấn đề của DeFi 1.0.

Dự án đưa ra một ý tưởng về tiền tệ mới và có được những thành công ban đầu, đây là lúc dự án bắt đầu đi chậm lại, tạo sự ổn định cho Protocol. Ngoài ra, sản phẩm Olympus Pro, sử dụng công nghệ của Olympus để giúp đỡ các dự án khác có được nguồn thanh khoản lành mạnh cũng có nhiều tiềm năng để phát triển.

Còn anh em nghĩ sao về dự án Olympus DAO? Anh em có đang mua và stake OHM? Hãy chia sẻ góc nhìn và trải nghiệm của anh em về Olympus để chúng ta cùng trao đổi và thảo luận.

Theo C98

Bài viết liên quan

GỬI PHẢN HỒI

Vui lòng để lại bình luận!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Đọc nhiều nhất

spot_img

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once