Multi-chain là gì? Xu hướng, tác động & tiềm năng đầu tư với Cross-chain & Multichain

spot_imgspot_img

Multi-chain là gì?

Multi-chain là một thuật ngữ mang nghĩa “đa chuỗi, đa nền tảng”. Cụ thể hơn trong thị trường crypto, nếu một dự án nào đó được triển khai trên multichain đồng nghĩa với việc dự án đó đang được triển khai trên ít nhất hai chuỗi, đó có thể là Ethereum, Binance Smart Chain, Solana, Polkadot, Avalanche hoặc các blockchain khác. 

Phân biệt Multi-chain với Cross-chain

Đầu tiên, mình sẽ nhắc lại về định nghĩa Cross-chain.

Cross-chain là chuỗi chéo, một giải pháp giúp chuyển tài sản từ chain này sang chain khác nhằm tối ưu khả năng kết hợp giữa các chain, tức là các dự án hoạt động trong lĩnh vực Cross-chain sẽ có chức năng giúp người dùng kết nối và luân chuyển tài sản ở nhiều blockchain platform có cấu trúc khác nhau. 

Cross chain giúp đưa tài sản từ blockchain này đến blockchain khác.

Sự khác nhau giữa Multi-chain và Cross-chain được thể hiện ở đặc điểm sau:

  • Multi-chain chỉ nhiều chuỗi khác nhau. Khi dự án “ABC” triển khai Multichain, đồng nghĩa với việc ngoài chuỗi gốc ban đầu ra (có thể là Ethereum, BSC, hoặc chain khác,..) thì dự án “ABC” có thể triển khai một cách độc lập ở chuỗi khác như BSC hay Polkadot.
  • Tuy nhiên để tài sản có thể luân chuyển giữa các chuỗi độc lập, anh em sẽ cần công cụ Cross-chain, đây là công cụ cho phép anh em chuyển tài sản giữa chuỗi Ethereum với các chuỗi khác trên thị trường.

Lợi ích và ý nghĩa của việc triển khai Multi-chain

Anh em có thể thấy trong bối cảnh hiện nay, trong cùng một lĩnh vực là AMM DEX thì trên mỗi nền tảng đều có những cái tên vô cùng nổi bật, ví dụ như trên Ethereum có Uniswap, trên Binance Smart Chain lại có PancakeSwap, trên Polygon có Quickswap

Tuy nhiên mỗi dự án đang hoạt động rất độc lập và chưa tiếp cận được lượng người dùng rất lớn từ những hệ sinh thái khác. Vậy anh em nghĩ sẽ như thế nào nếu các dự án sẽ triển khai Multi-chain?

Khi triển khai cơ chế Multi-chain trên các dự án, không chỉ người dùng mà dự án cũng sẽ được hưởng những lợi ích sau:

  • Tiếp cận được lượng người dùng ở hệ sinh thái mới.
  • Khắc phục được những khuyết điểm của chuỗi chính (tắc nghẽn, tốc độ chậm).
  • Tận dụng được ưu điểm của nhiều chuỗi khác nhau (phí rẻ, tốc độ nhanh).
  • Phổ biến hóa token của mình trên hệ sinh thái khác (đặc biệt là dự án stablecoin).
  • Người dùng ở hệ sinh thái nhỏ hơn có thể tiếp cận những lĩnh vực mà hệ sinh thái mình chưa triển khai (Insurance, Index token,…).

Bài viết sẽ có phần hơi dài nhưng anh em đừng bỏ lỡ những phần tiếp theo, vì mình sẽ cố gắng mang lại giá trị nhiều nhất thông qua phân tích, kèm theo đó là những cơ hội đầu tư về Cross-chain & Multi-chain cho anh em.

Case study về các dự án triển khai Multi-chain

Với những lợi ích nếu trên thì việc triển Multi-chain chỉ là điều sớm muộn của các dự án nếu muốn thu hút người dùng và dòng tiền từ các hệ sinh thái khác. Trong phần dưới đây mình sẽ đưa ra Case Study của hai dự án Tether và Sushiswap để làm rõ tiềm năng của Multi-chain.

Tether

Mình sẽ đưa ra ví dụ đầu tiên về Tether (USDT), Tether là stablecoin nổi bật nhất và chiếm đến 80% thị phần của stablecoin. Đây là stablecoin được mua bán nhiều nhất thông qua OTC, cũng là đồng coin được có tác động lớn nhất đến thị trường thông qua những đợt “in” USDT.

Các chain Tether triển khai

Anh em có thể xem hành trình triển khai Multi-chain của Tether qua hình ảnh dưới đây. Đầu tiên là mạng lưới Omni của Bitcoin, sau đó đến Ethereum, Tron, Algorand, Solana và EOS.

Tại sao Tether lại issue token của mình trên nhiều chain đến thế?

Hành trình triển khai Multi-chain của Tether (USDT).

Tại sao Tether lại support Multi-chain?

  • Lợi ích với Tether

Tether không chỉ là stablecoin ra đời sớm nhất, mà còn là stablecoin có sức ảnh hưởng nhất trong thị trường crypto hiện tại. Chính vì thế, Tether chắc chắn không để các stablecoin đối thủ có thể chiếm thị phần của mình.

Xét về tính ứng dụng, nếu Tether không triển khai USDT trên mạng lưới ERC-20 thì miếng bánh DeFi – nơi stablecoin chiếm 50% TVL có giá trị hơn 25 tỷ đô sẽ thuộc về tay ai? 

Khi triển khai trên nhiều mạng lưới, Tether sẽ phổ biến hóa được USDT cho người dùng ở nhiều mạng lưới khác nhau như Ethereum, Polkadot, Solana,… từ đó giúp USDT trở thành một token được chấp nhận rộng rãi ở dự án trong thị trường crypto.

  • Lợi ích đối với người dùng

Xét về tính trải nghiệm, anh em sẽ thấy rất rõ trong việc nạp rút USDT từ Binance. Với hai mạng lưới khác nhau, chỉ cần mức phí chênh lệch 0.5$, người dùng sẽ chọn mạng lưới có mức phí rẻ hơn.

Anh em có thể thấy, với mạng lưới nhanh và có phí giao dịch rẻ hơn, Tron đã chiếm ưu thế qua thời gian và vượt mặt Ethereum để trở thành mạng lưới được issue USDT nhiều nhất. 

Vậy thì sau Ethereum, mạng lưới blockchain nào sẽ là cái tên tiếp theo vừa giải quyết được vấn đề tắc nghẽn, vừa trở thành hệ sinh thái có thể triển khai các dự án DeFi một cách hoàn chỉnh? 

Mình sẽ không bất ngờ nếu nó là Solana vì đây là một trong những blockchain có công nghệ tốt và độ tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian qua.

Tether trên các Blockchain.

Sushiswap

Sushiswap là một trong những dự án trong lĩnh vực AMM DEX nổi bật nhất thị trường crypto khi có TVL lên đến 4.5 tỷ đô (chiếm đến 7.3% DeFi TVL marketcap) và có khối lượng giao dịch lên đến 370 triệu đô (xếp #5 trong xếp hạng của CoinMarketCap).

  • Các chain Sushiswap sẽ triển khai: Vào ngày 4/3/2021, đội ngũ Sushiswap đã thông báo sẽ triển khai Multi-chain. Cụ thể hơn là triển khai trên 5 chain khác nhau ngoài Ethereum đó là Fantom, Polygon, xDAI, Binance Smart Chain, Moonbeam Network. Fantom sẽ là chain đầu tiên Sushiswap sẽ triển khai.
  • Tại sao Sushiswap lại support Multi-chain? Lĩnh vực AMM DEX trong hệ sinh thái Ethereum đã có phần bị bão hòa với sự cạnh tranh rất lớn từ Uniswap và 0x Protocol, chính vì thế để có thể mở rộng tiềm năng và thu hút người dùng mới đến với nền tảng của mình, Sushiswap cần phải triển khai ở những chuỗi khác – nơi chưa có nhiều các dự án AMM DEX nổi bật.

Góc nhìn cá nhân:

Ước lượng TVL của Sushiswap trên các hệ sinh thái.

Trên đây là bảng thống kê số liệu về tổng vốn hóa của các hệ sinh thái, TVL của thị trường DeFi và TVL của Sushiswap trên Ethereum. Và mình muốn dựa vào những số liệu có sẵn để ước tính TVL Sushiswap trên các hệ sinh thái khác.

Đây là góc nhìn và phương thức ước lượng mang tính cá nhân. Để có thể ra được số liệu ước tính, mình đã tính toán như sau:

DeFi TVL = (20 – 40%) so với Tổng vốn hóa của hệ sinh thái. Trong đó: 

  • DeFi TVL của Ethereum bằng 21% Tổng vốn hóa hệ sinh thái Ethereum (59/280).
  • DeFi TVL của BSC bằng 44% Tổng vốn hóa hệ sinh thái BSC (35.7/80).

⇒ Lấy trung bình ở mức ~30% để tính ra DeFi TVL ở các hệ sinh thái còn lại.

Sushiswap TVL = 7% so với DeFi TVL (4.3 tỷ đô / 59 tỷ đô).

⇒ Lấy trung bình ~7% để tính ra Sushiswap TVL ở các hệ sinh thái còn lại.

Vậy nếu triển khai thành công trên BSC và Polkadot – hai hệ sinh thái thu hút dòng tiền DeFi nhất hiện nay thì Sushiswap có thể mở rộng đến mức nào?

Đây là góc nhìn cá nhân và TVL còn có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Đặt trường hợp Sushiswap triển khai thành công và thu hút người dùng trên các chuỗi còn lại. Mình có thể ước lượng được mức TVL có thể tăng thêm là 3.5 tỷ đô (phần nền vàng nhạt), đây là target mình sẽ mong chờ nếu như hiệu suất của Sushiswap trên các chuỗi khác không thay đổi.

Xu thế và sự phát triển của Cross-chain & Multi-chain

Theo góc nhìn cá nhân, Cross-chain tool có sự đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của Multi-chain, bởi vì Cross-chain sẽ giúp chúng ta luân chuyển tài sản giữa các chuỗi với nhau. Mình sẽ tóm tắt sự phát triển của Cross-chain và Multi-chain qua 3 giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Sự xuất hiện của các Cross-chain tool trên hệ sinh thái mới

Ở giai đoạn 1, để thu hút tài sản từ những hệ sinh thái khác, những hệ sinh thái mới phát triển như Binance Smart Chain và Polkadot đều triển khai Cross-chain brigde cho phép anh em chuyển tài sản từ các chuỗi khác sang chuỗi của mình, đặc biệt thu hút người dùng từ chuỗi Ethereum – chuỗi có sự phát triển mạnh mẽ nhất của các nền tảng DeFi.

Binance Smart Chain cũng triển khai Binance Bridge cho phép anh em luân chuyển ở chuỗi khác sang chuỗi BSC. Không riêng BSC, mỗi hệ sinh thái sẽ dần triển khai công cụ “cầu nối” của mình khi Solana có Wormhole, NEAR có Rainbow Bridge,…

Các cầu nối Rainbow Bridge, Binance Bridge và Wormhole.

Mình nhận định đây là giai đoạn 1 vì đa số các công cụ hỗ trợ đều do chính các hệ sinh thái đó tạo ra và đa số chỉ tập trung mang lượng người dùng từ Ethereum sang hệ sinh thái của mình.

Giai đoạn 2: Xuất hiện các dự án chuyên về lĩnh vực hỗ trợ Cross-chain & Multi-chain

Đến giai đoạn 2, anh em sẽ thấy có nhiều dự án chuyên về lĩnh vực cross-chain bridge cho anh em sử dụng. Anh em sẽ dễ dàng tương tác và luân chuyển tài sản của sang nhiều chuỗi hơn chỉ trên một nền tảng.

AnySwap, Multi-chain.xyz là hai dự án nổi bật trong lĩnh vực Cross-chain Bridge, họ hỗ trợ lên đến 10 chains, chủ yếu là các chain được xây dựng trên EVM của Ethereum. Đây là những dự án giúp anh em chuyển tài sản giữa rất nhiều chuỗi với nhau như Ethereum, BSC, Fantom,… mà không phải thực hiện trên nhiều bridge khác nhau.

Ngoài ra, anh em còn có thể sử dụng Cross-chain Bridge ngay trong Coin98 Wallet – một trong những ví đầu tiên hỗ trợ đến In-app Bridge và giúp người dùng lưu trữ tài sản trên 22 blockchain. Hiện tại, Cross-chain Bridge của Coin98 Wallet đang hỗ trợ bridge giữa:

  • SPL (Solana) <> ERC20 (Ethereum).
  • ERC20 (Ethereum) <> TRC20 (Tron) <> BEP 20 (Binance Smart Chain).
  • Avalanche C-Chain <> Avalanche X-Chain.

Cross-chain Bridge của Coin98 Wallet hỗ trợ nhiều chain khác nhau.

Đây sẽ là giai đoạn quyết định trước khi các dự án có kế hoạch triển khai trên chain khác. Anh em nên chú ý liệu native token từ dự án có được sử dụng nhiều trên chain mới hay không. Nếu anh em thấy token được ứng dụng nhiều trong Yield Farming, Pool hay AMM, thì khả năng cao dự án sẽ triển khai trên những chain đó bởi vì họ đã có sẵn lượng người dùng đã sử dụng Cross-chain bridge để luân chuyển token.

Giai đoạn 3: Tích hợp Multi-chain trở thành điều không thể thiếu đối với dự án DeFi

Theo quan điểm của mình thì thị trường hiện tại đang giữa giai đoạn 2 và 3 khi các Cross-chain tool ra đời nhiều hơn. Cùng lúc đó, những dự án lớn, có tiềm lực trong thị trường cũng dần triển khai Multi-chain. 

Một khi dự án nào đó triển khai Multi-chain trong thị trường, điều đó đồng nghĩa với việc họ đang muốn tiếp cận lượng người dùng mới và phổ biến hóa sản phẩm của mình với thị trường. Mình có thể phần nào kết luận được rằng, nếu triển khai thành công trên các chuỗi khác, các dự án sẽ có tính ứng dụng cao hơn, thu hút người dùng nhiều hơn cũng như mang lại dòng tiền nhiều hơn với các dự án.

Cơ hội nào cho những nhà đầu tư

Để có được cơ hội đầu tư tốt, anh em hãy chú ý đến các dự án lớn thuộc lĩnh vực quan trọng như AMM DEX hay Lending nhưng chưa triển khai Multi-chain, vì họ sẽ là những dự án có xu hướng và tiềm lực triển khai Multi-chain đầu tiên. 

Vậy làm thế nào để đoán trước dự án nào sẽ triển khai Multi-chain?

  • Theo dõi các hoạt động trên mạng xã hội của các chuỗi tiềm năng như Binance Smart Chain hay Polkadot. Trước khi triển khai ở các chuỗi mới, họ sẽ phát triển công cụ Cross-chain giúp anh em chuyển tài sản sang các chuỗi đó, hoặc có những cuộc trò chuyện AMA với đội ngũ phát triển để thông báo về việc hợp tác trước khi chính thức triển khai.
  • Theo dõi và liệt kê các dự án DeFi ở nhiều hệ sinh thái khác nhau, anh em sẽ thấy được một số hệ sinh thái mới nổi còn thiếu những lĩnh vực rất quan trọng như Lending hay AMM DEX. Chính vì thế, các dự án đã “trưởng thành” ở hệ sinh thái gốc sẽ có xu hướng tìm đường để triển khai và thu hút người dùng trên chain khác, tương tự như cách Sushiswap đã làm.

Tổng kết

Mình sẽ tổng kết một số Insights cho anh em:

  • Triển khai Cross-chain & Multi-chain chỉ còn là điều sớm muộn đối với các dự án để tiếp cận người dùng mới.
  • Chú ý vào các dự án lớn ở hệ sinh thái Ethereum, họ là những đội ngũ có tiềm lực để triển khai trên hệ sinh thái mới.
  • Chú ý vào các dự án hoạt động trong lĩnh vực mang tính nền tảng của một hệ sinh thái như AMM DEX, Lending, Stablecoin hoặc Synthetic.
  • Theo dõi các trang mạng xã hội của các hệ sinh thái như BSC, Polkadot hay Solana để bắt kịp các thông tin AMA hay Cross-chain tool của các dự án.

Đây chính là những “alert” giúp anh em có thể dễ dàng tìm kiếm “hidden gem” trước khi họ chính thức triển khai Multi-chain.

Theo C98

Bài viết liên quan

GỬI PHẢN HỒI

Vui lòng để lại bình luận!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Đọc nhiều nhất

spot_img

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once