Khi chơi game trở thành nghề nghiệp: GameFi tái định nghĩa tương lai việc làm

spot_imgspot_img

Khi còn nhỏ, chúng ta thường được hỏi: “Lớn lên con muốn làm gì?” Mặc dù một số người trả lời rất chắc chắn: “làm diễn viên/bác sĩ/kỹ sư,…”, nhưng những câu trả lời này có rất ít giá trị dự đoán. Thực tế, theo một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 65% học sinh bước vào trường tiểu học ngày nay khi ra trường sẽ làm những công việc chưa hề tồn tại. 

Chắc hẳn anh chàng Howard 22 tuổi trong video nổi tiếng về phong trào Play-to-Earn ở Philippines không thể nào ngờ rằng có một ngày mình sẽ bước thẳng từ giảng đường đại học đến ngay bàn chơi game, và biến đây thành công việc full-time của mình. Play-to-Earn hay GameFi đang tái định nghĩa tương lai việc làm của Howard và có thể là của tất cả chúng ta.

Những nốt giáng trong lịch sử việc làm

Khi máy móc lên ngôi

Khi công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, nhiều người lo lắng về tương lai việc làm. Nếu hàng triệu người lao động mất việc, họ sẽ làm gì để nuôi sống bản thân và gia đình?

Đây không phải là nỗi lo vô căn cứ. Theo một báo cáo từ PricewaterhouseCoopers – một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay, vào giữa 2030, 1/3 công việc của chúng ta có nguy cơ bị máy móc thay thế. Những lao động tay nghề hạn chế sẽ là lực lượng dễ bị đẩy ra bên lề xã hội nhất.

Nỗi lo mất việc do máy móc lên ngôi đã hiện diện trong lịch sử loài người từ hàng trăm năm trước. Trong mỗi bước ngoặt của xã hội, nhiều người lại đối mặt với sự thay đổi việc làm không cưỡng lại được.

1. Mất việc vì những đôi tất dệt kim thế kỷ 16

Vào thế kỷ 16, tất cả lao động đều là lao động chân tay, cho đến khi một giáo sĩ người Anh tên William Lee nảy ra ý tưởng cơ giới hóa việc sản xuất tất. Những đôi tất chân phụ nữ ra đời từ máy dệt kim của William Lee rẻ và được sản xuất nhanh hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Các quý cô, quý bà nhiệt liệt đón nhận phát minh mới này.

Nhưng niềm vui của người này là nỗi đau của người khác, những người thợ đan tất thủ công mất việc hàng loạt. Thậm chí có những câu chuyện cho rằng Nữ hoàng Elizabeth I từng từ chối cấp bằng sáng chế cho chiếc máy dệt kim của Lee vì lo lắng cho tương lai việc làm của những người thợ đan tất này.

William Lee nảy ra ý tưởng cơ giới hóa việc sản xuất tất chân (Ảnh: calvertonvillage)

2. Bạo loạn trong các nhà máy thế kỷ 18 – 19

Vài trăm năm sau, cuộc Cách mạng Công nghiệp 1.0 với sự xuất hiện của động cơ hơi nước đã đưa lực lượng nông dân ở Châu Âu và Bắc Mỹ  “vào tầm ngắm”. Đây là thời kỳ phần lớn các vùng nông thôn canh tác nông nghiệp trở thành thành thị phát triển công nghiệp. Nhiều nông dân không thể tiếp tục canh tác vì đất đai mất vào tay các nhà máy. Và ngành nông nghiệp cũng bắt đầu áp dụng máy móc để xử lý mọi quy trình từ gieo hạt đến thu hoạch cây trồng.

Một bộ phận lao động ở Anh phẫn nộ vì mất việc làm đã khởi xướng phong trào Luddites tẩy chay máy móc. Họ thực hiện những cuộc bạo loạn, đập phá máy móc và thậm chí phóng hỏa đốt nhà các chủ doanh nghiệp.

Làn sóng đập phá máy móc ở Anh (Ảnh: lookandlearn)

3. Sản xuất ô tô thế kỷ 20 – Khi robot “cướp” việc làm

Vào cuối thế kỷ 20, việc sử dụng robot trong ngành sản xuất ô tô ngày càng trở nên phổ biến. Hàn và phun sơn trong dây chuyền lắp ráp là một trong những công việc đầu tiên chuyển từ con người sang robot. Khi công nghệ cải tiến hơn, robot chuyển sang làm những công việc phức tạp hơn như cố định kính chắn gió vào xe, di chuyển các mặt hàng nặng và cồng kềnh,…

Năm 1979, thậm chí công ty ô tô Fiat đã chạy một quảng cáo trên tivi mô tả quá trình sản xuất xe Strada của họ với khẩu hiệu “bàn tay do robot chế tạo”. Kết quả từ sự “xâm lăng” của robot này là việc hàng ngàn công nhân thất nghiệp, vì không phải ai cũng đủ khả năng để chuyển từ vị trí lao động chân tay lên người giám sát robot.

Robot đang thay thế con người trong nhiều công việc (Ảnh: therobotreport)

COVID-19 và nỗi đau mang tên sinh kế

Bên cạnh nỗi đe dọa mất việc mang tên “tự động hóa,” đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều người vào cảnh khốn cùng. Theo số liệu của ILO Monitor, đại dịch COVID đã xóa sổ 114 triệu việc làm vào năm 2020. Bên cạnh đó, số giờ làm việc bị cắt giảm trong thời gian này cao gấp khoảng  4 lần so với thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2009.

Ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, một số công việc đã được phục hồi, mặc dù “còn cả một chặng đường dài phía trước để vượt qua,” như lời nhà kinh tế học Michelle Meyer ở Ngân Hàng Mỹ. Thế nhưng, đối với nhiều người, công việc họ đã từng làm có thể sẽ không bao giờ quay trở lại. 

Ở Việt Nam, đại dịch đã giáng một đòn chí mạng vào TP.HCM – trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước. Những hàng quán đóng cửa vĩnh viễn. Hàng ngàn người lao động mất việc vượt cả ngàn cây số để trở về quê vì không thể cầm cự được nữa. Ban ngày họ rong ruổi trên chiếc xe máy chở cả gia đình với toàn bộ số tài sản ít ỏi, ban đêm họ chọn trạm xăng hay vỉa hè để làm chỗ chợp mắt.

Cuộc “di tản” về quê tránh dịch (Ảnh: BBC)

GameFi – Lối thoát cho những lao động tay nghề thấp

Trước nỗi lo mất việc của người lao động do quá trình tự động hóa, các nhà kinh tế học nói rằng không cần phải lo lắng. Công nghệ loại bỏ việc làm cũ nhưng cũng sẽ tạo ra việc làm mới, mặc dù chúng ta phải trải qua một quá trình điều chỉnh đau đớn. Điều này đã được chứng minh qua các cuộc Cách mạng công nghiệp trong lịch sử.

Mặc dù đại dịch COVID-19 tước đi công việc của nhiều người, nhưng cũng đã đẩy nhanh làn sóng phát triển công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xã hội sang thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong làn sóng đổi mới này, công nghệ blockchain trong nền kinh tế crypto đã giới thiệu những hình thức công việc hoàn toàn mới.

Những hình thức kiếm tiền kiểu mới – Labor to Earn

“Các nền kinh tế crypto đã bắt đầu định hình tương lai việc làm của chúng ta. Chúng xóa nhòa ranh giới giữa việc chơi, học, tương tác và sáng tạo bằng cách cung cấp quyền sở hữu và tạo ra thu nhập” – Stephen McKeon, Giáo sư tại Đại học Oregon nói.

Trong crypto, hợp đồng thông minh (smart contract) kết nối mọi thứ. Tại đây, các hoạt động được xử lý bằng code và không cần trung gian là con người với hệ thống pháp lý tập trung. Điều này có nghĩa là các cá nhân có thể hình thành những mối quan hệ phức tạp dựa trên hợp đồng với sự vắng mặt hoàn toàn của bên điều phối thứ ba. Đây chính là nhân tố “thay đổi cuộc chơi” trong việc tổ chức và quản lý nguồn lực.

Những hợp đồng thông minh này cho phép chúng ta tạo ra những mô hình Labor To Earn kiểu mới, mở rộng cơ hội kiếm tiền cho nhiều người trên toàn thế giới, đặc biệt là những lao động tay nghề thấp.

Những mô hình Labor to Earn mới bao gồm:

  • Learn to Earn & Participate to Earn: Người dùng được trả tiền chỉ bằng cách sử dụng một protocol nào đó. Ví dụ: Với Minds – một ứng dụng truyền thông xã hội phi tập trung, người dùng có thể nhận được token bằng cách đăng bài, like và share. Càng nhiều người sử dụng mạng lưới này, nó càng có giá trị, và do đó càng có nhiều nguồn lực để thưởng cho người dùng của mình.
  • Create to Earn: Người dùng có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật (thông qua NFT) và playlist nhạc (thông qua các công ty như Audius) để kiếm token.
  • Play to Earn hay GameFi: Cho đến nay, đây là hình thức kiếm tiền có nhiều ưu điểm nhất. Chúng cho phép người chơi tham gia vào quá trình phát triển của game và kiếm tiền chỉ bằng cách chơi game.

Thực tế, khi đại dịch COVID-19 tấn công Philippines, người dân ở thành phố Cabanatuan phía bắc Manila đã chơi game Axie Infinity – một trong những GameFi nổi tiếng nhất thế giới, để kiếm tiền trang trải cuộc sống khi bị lockdown. Sinh viên đại học ra trường không kiếm được việc, lái xe thất nghiệp, những cụ ông cụ bà buôn bán ế ẩm vì dịch,… tất cả đã tìm được lối thoát trong GameFi.

GameFi là gì?

Lấy cảm hứng từ DeFi, GameFi hướng đến việc trao quyền cho người dùng để họ có tiếng nói trong những quyết định lớn ảnh hưởng đến ngành công nghiệp gaming. GameFi tạo ra nền kinh tế do người chơi sở hữu, bằng cách cho phép họ giao dịch các vật phẩm có giá trị và kiếm thêm tiền bằng các NFT.

Hệ thống này được vận hành bằng token quản trị – có thể được biểu thị dưới dạng các loại tài sản khác nhau trong trò chơi. Mỗi token quản trị là tấm vé để chủ sở hữu tham gia vào quá trình phát triển của game và ảnh hưởng đến việc phân bổ các nguồn quỹ nội bộ. 

Tất nhiên, quyền lực đó sẽ tỷ lệ thuận với số lượng token mà mỗi người chơi nắm giữ. Hệ thống này có tính minh bạch và đảm bảo sự công bằng trong các giao dịch vật phẩm giữa những người chơi với nhau.

Người chơi cũng có thể nhận được một phần doanh thu của game chỉ bằng cách chơi game. Thông thường, trong các mô hình kinh doanh game truyền thống, toàn bộ doanh thu thuộc về tay nhà phát hành, nhưng GameFi đang cố gắng xây dựng những vũ trụ game do người chơi sở hữu, cho họ quyền tự do để vừa chơi game vừa kiếm tiền.

Vì sao GameFi hấp dẫn ở các quốc gia đang phát triển?

Ví dụ tiêu biểu nhất cho hiện tượng GameFi này chính là Axie Infinity. 

Axie Infinity là một trò chơi dựa trên blockchain, trong đó người chơi mua những con quái vật dễ thương gọi là Axies và đem chúng đi chiến đấu. Người chơi giành chiến thắng trong các trận đấu này hoặc hoàn thành nhiệm vụ hàng ngày sẽ kiếm được một loại tiền tệ trong game, gọi là Smooth Love Portion (SLP). SLP có thể được đổi thành fiat (tiền pháp định).

Theo Coindesk, tính đến tháng 7/2021, trung bình một người chơi Axie Infinity có thể kiếm được khoảng 4,500 SLP/tháng (~ $800). Trò chơi đã có sự tăng trưởng lớn từ 30,000 người chơi game hàng ngày trong tháng 4/2021 lên hơn 1 triệu vào tháng 8, với hầu hết người chơi đến từ các thị trường mới nổi như Philippines, Venezuela và Brazil. 

Trên thực tế, có rất nhiều người Philippines đã bỏ việc để chơi Axie Infinity hàng giờ đồng hồ mỗi ngày vì nó trả “lương” tốt hơn. Thậm chí, một số người kiếm được gấp 3 lần so với thu nhập bình thường của họ.

Axie Infinity giúp nhiều người Philippines kiếm sống qua mùa dịch (Ảnh: ictnews)

Axie Infinity đại diện cho một mô hình kinh doanh mới dựa trên blockchain, nơi những người sáng tạo trò chơi chia sẻ doanh thu của họ với người chơi. Mỗi đô la mà người chơi kiếm được vốn có thể đi thẳng vào túi những nhà phát triển. Thế nhưng, thay vì tính phí truy cập, bán quảng cáo hay buộc người dùng mua in-app và giữ tất cả lợi nhuận cho riêng mình, các nhà phát triển Axie quyết định chia sẻ lợi nhuận với người chơi, hy vọng rằng trò chơi sẽ được ứng dụng rộng rãi. 

Mặc dù một số người cho rằng nền kinh tế của trò chơi không bền vững, nhưng cho đến nay chiến lược này vẫn đang hiệu quả: 60% người chơi biết về Axie do được bạn bè hay thành viên trong gia đình giới thiệu, và trò chơi đang trên đà tạo ra doanh thu hơn 1 tỷ đô trong năm 2021.

Edward Castronova – giáo sư truyền thông tại Đại học Indiana Bloomington, người nổi tiếng với công trình nghiên cứu về nền kinh tế của các thế giới tổng hợp, đã đưa ra hai dự đoán trong bài viết: “Thuê người chơi game: Gaming và tương lai của công việc kỹ năng thấp”: 

  • Trong vòng 5 năm tới, một số công ty gaming sẽ trả tiền để người chơi chơi game của họ.
  • Trong vòng 10 năm tới, trả tiền cho người chơi sẽ trở thành mô hình doanh thu tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp gaming. Các khoản thanh toán sẽ nằm dưới dạng crypto hoặc tiền mặt.

Lời kết

Không thể phủ nhận rằng GameFi đang là một đề xuất hấp dẫn dành cho những người thất nghiệp hoặc lao động tay nghề thấp. Đặc biệt, đối với giới trẻ, đây là một trong số ít lĩnh vực mà họ có lợi thế so với những người lớn tuổi nhiều kinh nghiệm nhờ vào kỹ năng sử dụng công nghệ và quỹ thời gian tương đối dồi dào của họ.

Hơn nữa, GameFi cho phép mọi người chuyển đổi thời gian lãng phí thành thu nhập một cách tương đối dễ dàng. Giờ đây, bạn có thể dùng thời gian chờ xe buýt hoặc xếp hàng tại ngân hàng để kiếm thêm một ít tiền. Thay vì lướt TikTok hoặc xem Youtube, bạn có thể chơi game để kiếm tiền.

Nhưng công bằng mà nói, chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của mô hình GameFi, và bí quyết về thành công lâu dài vẫn chưa được viết ra. Hiện tại, ngày càng có nhiều nhà phát hành gaming cố gắng mô phỏng thành công của Axie Infinity với những cải tiến của riêng họ, hứa hẹn sẽ đem lại sự bùng nổ trong lĩnh vực này.

Emmett Shear, đồng sáng lập và CEO của TwitchTV đã nói: 

“Tôi không nghĩ những điều Axie Infinity đang làm hiện tại là bền vững, nhưng họ có cơ sở vững chắc để xây dựng lên một thứ gì đó ý nghĩa.” 

Và “thứ gì đó ý nghĩa” có thể là thế hệ tiếp theo của GameFi – có khả năng tái định nghĩa hoàn toàn tương lai việc làm và mở ra các cơ hội kiếm tiền mới chưa từng tồn tại trước đây. 

Theo C98

Bài viết liên quan

GỬI PHẢN HỒI

Vui lòng để lại bình luận!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Đọc nhiều nhất

spot_img

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once