Giao dịch phái sinh Crypto là gì? Bức tranh toàn cảnh về phái sinh Crypto

spot_imgspot_img

Với các anh em đã tham gia giao dịch chứng khoán hay Forex thì đã khá quen thuộc với các công cụ phái sinh hay Derivatives. Nó cho phép các anh em giao dịch dựa trên giá trị của nhiều loại tài sản khác nhau mà không cần sở hữu nó.

Phái sinh là công cụ rất phổ biến và được nhiều anh em lựa chọn. Tuy Cryptocurrency là thị trường mới và nhỏ hơn chứng khoán rất nhiều. Nhưng, chúng ta đang chứng kiến thị trường này có rất nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Đặc biệt là sự ra đời của các sản phẩm phái sinh Crypto.

Sàn giao dịch Binance – một trong những sàn giao dịch hàng đầu thế giới. Trước đây, Binance chỉ có các công cụ giao dịch crypto-crypto. Vừa qua, Binance cũng đã ra mắt sàn giao dịch Binance Futures, Binance JEX của họ.

Cùng với đó là nhiều sàn giao dịch khác cũng đã tích hợp công cụ giao dịch phái sinh Crypto như KuMEX của KuCoin, hay Huobi DM của Huobi.

Liệu đây có phải là xu hướng sắp tới của Crypto sau trend IEO? Việc các công cụ giao dịch phái sinh phổ biến ra đời ngày càng nhiều sẽ tác động thế nào tới thị trường Crypto này? Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ về bức tranh tổng quan của phái sinh Crypto cũng như những dự đoán về tương lai của thị trường phái sinh này.

Trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về định nghĩa Phái sinh là gì?

Phái sinh là gì?

Phái sinh (derivatives) là hợp đồng giao dịch tài chính giữa hai hoặc nhiều bên, dựa trên giá trị tương lai của một tài sản cơ sở nào đó.

Tài sản cơ sở đó có thể là tài sản hữu hình, index hay lãi suất. Bản thân phái sinh không có giá trị nội tại.

  • Tài sản: Vàng, bạc, kim loại quý, cà phê, gạo.
  • Index: Cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất.

Tức là, người ta giao dịch dựa trên giá trị của một thực thể khác chứ không cần trực tiếp sở hữu nó. Lợi nhuận được tạo ra dựa vào chênh lệch và biến động giá của tài sản cơ sở đó.

Theo mình tìm hiểu thì các giao dịch phái sinh đã được thực hiện từ thời trung cổ giữa các thương nhân. Tài sản cơ sở đầu tiên được sử dụng đó là quả ô liu và lương thực.

Riêng ở Việt Nam, thị trường chứng khoán phái sinh được chính thức ra đời tháng 08/2017. Hợp đồng tương lai của chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) và hợp đồng tương lai của trái phiếu chính phủ.

Trong giao dịch phái sinh, có bốn loại hợp đồng cơ bản sau:

  • Hợp đồng kỳ hạn (Forwards): Là thoả thuận giao dịch giữa hai bên ở một thời điểm xác định trong tương lai. Với mức giá được xác định và thống nhất bởi cả hai bên ở thời điểm hiện tại.
  • Hợp đồng tương lai (Future): Đây là dạng hợp đồng kỳ hạn (Forwards) đã được chuẩn hoá và niêm yết giao dịch trên các sàn giao dịch chính thức. Ví dụ: Ở Mỹ có sàn Commodities Futures Trading Commission (CFTC), Chicago Mercantile Exchange (CME), ở Việt Nam có sàn Sở giao dịch chứng khoán.
  • Hợp đồng quyền chọn (Options): Là hợp đồng trong đó một bên có quyền yêu cầu bên còn lại thực hiện nghĩa vụ mua hoặc bán một lượng tài sản cơ sở. Với một mức giá đã xác định tại hợp đồng trong một khoảng thời gian nhất định trong tương lai.
  • Hợp đồng hoán đổi (Swap): Là thoả thuận giữa hai bên A & B. Trong đó, họ trao đổi dòng tiền của công cụ tài chính bên A với dòng tiền của công cụ tài chính bên B trong một thời gian nhất định.

Thị trường Cryptocurrency là thị trường ra đời sau chứng khoán rất nhiều. Các sản phẩm phái sinh của Crypto cũng chỉ mới ra đời được vài năm.

Trong các phần dưới, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết về giao dịch phái sinh trong Crypto – thứ sẽ giúp chúng ta tạo lợi nhuận trong thị trường Crypto này.

Phái sinh Crypto là gì? 

Phía sinh Crypto là hình thức giao dịch dựa trên giá trị của các đồng Crypto.

Hiểu một cách đơn giản là anh em sẽ giao dịch với nhau dựa trên giá của các đồng Crypto. Chứ không phải trực tiếp sở hữu và mua bán các đồng Crypto ấy.

Sự khác biệt lớn nhất giữa Phái sinh truyền thống (Traditional Derivatives) và Phái sinh Crypto (Crypto Derivative) chính là tài sản cơ sở của Crypto không phải trái phiếu, cổ phiếu hay lãi suất. Mà đó chính là các đồng Crypto.

Ví dụ: Anh em thấy đồ thị của cặp XRP/USDT đang đẹp và phù hợp với các phương pháp phân tích của mình. Đây là cơ hội để anh em kiếm lời từ thị trường.

Có 2 phương án để anh em tham gia giao dịch kiếm lời:

  • Cách 1: Mua trực tiếp đồng XRP và giao dịch trên đồng đó.
  • Cách 2: Giao dịch phái sinh của XRP. Lúc này anh em không có nhu cầu mua sở hữu XRP mà chỉ đơn giản là giao dịch theo đồ thị của nó.

Nếu lựa cách 2 để giao dịch, tức là anh em đang giao dịch phái sinh.

Hiện tại, trong thị trường Crypto đang có rất nhiều sàn, công cụ hỗ trợ giao dịch phái sinh Crypto.

sàn giao dịch phái sinh

So sánh các sàn giao dịch phái sinh Crypto

Dưới đây là so sánh các sàn đang cho phép giao dịch các sản phẩm phái sinh của Crypto.

so sánh sàn phái sinh crypto

So sánh volume giao dịch (cập nhật ngày 8/10/2019)

volume giao dịch phái sinh crypto

Các loại giao dịch phái sinh Crypto

Cũng tương tự như thị trường phái sinh truyền thống, phái sinh trong Crypto cũng có các loại hợp đồng cơ bản sau:

  • Forward/Futures: Là thoả thuận giữa hai bên tham gia thực hiện giao dịch trong tương lai. Dựa trên các điều khoản mà hợp đồng đã đặt ra.
  • Swap Contracts: Là thoả thuận giữa hai bên cùng đồng ý trao đổi định kỳ tỷ giá cố định & thả nổi nó trong một khoảng thời gian.
  • Option Contracts: Thoả luận giữa hai bên tham gia. Trong đó một bên có quyền mua tài sản hoặc bán tài sản (không bắt buộc) với mức giá đã xác định.

Đặc điểm của giao dịch phái sinh Crypto

Ưu điểm

  • Giao dịch có đòn bẩy (Leverage): Đây là một lợi thế rất lớn của giao dịch phái sinh nói chung và trong cả Crypto. Nó giúp gia tăng khả năng lợi nhuận của trader. Tất nhiên cũng đi kèm với rủi ro.
  • Tính đơn giản: Với giao dịch Crypto đơn thuần (Spot trading), yêu cầu trader phải có ví để lưu trữ các đồng Crypto của họ dùng để chuyển và nhận từ sàn giao dịch. Còn với Derivative crypto trading, trader có thể deposit trực tiếp tiền Fiat (hoặc 1 loại Crypto nhất định) của họ vào để giao dịch. 

Ví dụ: Sàn SnapEx, Binance Futures trader chỉ cần nạp USDT. Trên sàn BitMEX, để được giao dịch với nhiều cặp Altcoin khác mà không cần nạp các đồng Altcoin này người dùng chỉ cần nạp Bitcoin.

  • Giao dịch 2 chiều, kiếm lợi nhuận trên cả 2 chiều của thị trường: Với spot trading, trader chỉ có lợi nhuận khi giá cả của Crypto tăng lên. Còn với Derivative trading, anh em có thể kiếm lợi nhuận trên cả 2 chiều của thị trường với các lệnh Long khi thị trường đi lên, Short khi thị trường đi xuống.

Nhược điểm

Nhược điểm duy nhất mà mình thấy ở loại giao dịch này đó là: Rủi ro cao hơn.

Dù có thể đem lại cơ hội lợi nhuận cao hơn giao dịch spot trading thông thường thông qua Leverage (đòn bẩy). Nhưng tất nhiên nó cũng tồn tại nhiều rủi ro có thể khiến các trader mất hết khoản đầu tư cho 1 lệnh giao dịch.

Khi giao dịch tâm lý không vững chắc: Quá hưng phấn, hoặc quá sợ hãi. Đặc biệt với các anh em trader mới vào nghề thì một lệnh cháy hay một lệnh “ăn đậm” đều tác động lớn tới tâm lý của anh em.

Cần chú ý gì khi giao dịch phái sinh Crypto?

Anh em tham gia giao dịch phái sinh Derivatives Trading hay Spot trading thì mục đích cuối cùng cũng là kiếm lợi nhuận. Dưới đây là các số liệu anh em cần quan tâm khi tham gia giao dịch phái sinh Crypto.

Leverage (đòn bẩy)

Giao dịch phái sinh luôn đi kèm với đòn bẩy. Chính các đòn bẩy này sẽ giúp anh em nâng cao lợi nhuận, nhưng tất nhiên cũng đi kèm với rủi ro hơn.

Leverage (đòn bẩy) càng cao thì lợi nhuận càng cao, rủi ro càng cao. Ngược lại, nếu Leverage (đòn bẩy) càng thấp thì lợi nhuận thấp hơn, đồng thời anh em cũng chịu mức rủi ro thấp hơn.

Trading Fee

Đây là phí mà sàn thu chi mỗi giao dịch từ người dùng. Nó chính là margin fee hay phí ký quỹ.

Như mình đã nói ở trên, trong giao dịch sẽ có đòn bẩy, tức là trader sẽ được vay ký quỹ cho khoản volume giao dịch của họ. Và tất nhiên sàn sẽ là người cho vay và hưởng lãi suất từ việc cho vay này.

Mức phí này ở mỗi sàn khác nhau và thường được tính dựa trên khối lượng giao dịch của 1 lệnh. Anh em tham khảo bảng bên trên về mức phí trading fee này.

Ở đây mình lấy ví dụ với sàn Snapex:

  • Margin Fee = 0.15% tổng khối lượng vay.
  • Mức ký quỹ Margin = 100 USD
  • Đòn bẩy Leverage = 10
  • Trading fee = Margin * (Leverage -1) * 0.15% = 100 * (10-1) * 0.15% = 1.35 USD
trading fee snapex

Overnight fee (phí giữ lệnh giao dịch qua đêm)

Ở phần trên mình nhắc tới mức phí cho mỗi giao dịch. Thực chất nó là phí lãi suất của sàn thu khi cho người dùng vay để làm đòn bẩy. Mà vay càng lâu thì tất nhiên sẽ càng phải trả nhiều phí.

Overnight fee chính là phí giao dịch qua đêm mà sàn sẽ thu thêm như một khoản lãi suất sàn thu khi anh em hold giao dịch đó qua đêm (hay giữ lệnh position lâu qua đêm).

Ví dụ: Với sàn Snapex, mức phí overnight fee là 0.045% tổng khối lượng vay. 

Vẫn tiếp ở ở ví dụ trên, mình sẽ phải trả thêm:

Overnight fee = Margin * (Leverage -1) * 0.045% = 100 * (10-1) * 0.045% = 0.405 USD

Volume giao dịch

Cũng giống như tất cả các hình thức giao dịch khác, volume giao dịch là số liệu anh em không thể bỏ qua khi lựa chọn sàn.

Đặc biệt là trong giao dịch phái sinh thì leverage sẽ đẩy khối lượng một lệnh của trader lên rất cao. Và chắc chắn là một sàn không có đủ volume giao dịch sẽ là một rào cản đối với những anh em vốn lớn.

Ở đây, mình muốn nhấn mạnh với anh em trong việc chọn lựa sàn giao dịch trước khi bắt đầu bất kể một lệnh nào. Trong trading derivatives, do có đòn bẩy nên volume giao dịch của anh em được đẩy lên rất nhanh.

Ví dụ: Như mình test thử tài khoản với tổng Fund ban đầu là 1,000 USD trên SnapEx. Chỉ sau 10 lệnh, trading volume của mình đã đạt mức 10,000 USD.

Giả sử mình chỉ để lệnh đóng trong ngày, không có Overnight Fee và leverage = 10x, thì mức phí giao dịch mình phải trả là:

10,000 * (10-1) * 0.15%/10 = 13.5 USD.

Có vẻ như rất nhỏ, nhưng anh em cứ thử hình dung đi. Với các trader chuyên nghiệp vào nhiều lệnh mỗi ngày và mức leverage cao hơn thì thậm chí phí phải trả cho sàn còn cao hơn nữa.

Có nên giao dịch giao dịch phái sinh Crypto?

Có và không! Tại sao ư?

Giao dịch phái sinh trong thị trường truyền thống đã có từ rất lâu đời. Nó được hợp thức hoá trên rất nhiều tài sản từ kim loại quý tới lương thực, lãi suất, chứng khoán. Qua đó, anh em có thế thấy mức độ sử dụng rộng rãi và tầm ảnh hưởng của nó.

Tuy nhiên, như mình đã nhấn mạnh trong các đặc điểm của giao dịch phái sinh là đòn bẩy (Leverage). Không chỉ trong Crypto mà trong cả giao dịch phái sinh truyền thống hay Forex. Đòn bẩy càng cao, lợi nhuận càng cao và tất nhiên đi kèm với rủi ro cũng rất lớn.

Mình quan sát nhiều anh em trong các group thường rất dễ FOMO hoặc tự tin thái quá khi kiếm được nhiều lợi nhuận ở những lần giao dịch đầu tiên. Tâm lý ấy dễ khiến anh em ra quyết định sai hoặc mạo hiểm hơn (tăng Margin + Leverage) dễ khiến cháy tài khoản.

Một tâm lý khác là sợ hãi khi thực hiện nhiều giao dịch bị lỗ liên tiếp. Điều này dễ khiến anh em sợ vào lệnh, hoặc chốt lãi sớm khi chưa chạm TP. Bản thân mình cũng đã từng rơi vào các trạng thái kể trên. 

Vậy anh em nên giao dịch phái sinh hay không? Câu trả lời của mình vẫn là Có và Không!

  • Nên giao dịch phái sinh: Chỉ khi anh em đã chuẩn bị đầy đủ: Thành thạo thao tác, kiến thức trading, vốn & tâm lý giao dịch.
  • Không nên giao dịch phái sinh: Khi anh em mới bắt đầu làm quen với spot trading mới bước vào thị trường & tâm lý không vững.

Tương lai của giao dịch phái sinh Crypto

Tính từ khi Bitcoin ra đời năm 2009 tới nay đã được 10 năm. Thị trường Cryptocurrency cũng được từng ấy thời gian, nhưng nó mới sôi động và được nhiều người biết tới khoảng 4-5 năm trở lại đây.

Nếu anh em tham gia thị trường từ đầu 2017 thì sẽ thấy rất nhiều hot trend của thị trường Crypto đã đi qua. Từ trend lending coin năm 2017, ICO 2017 tới nửa đầu 2018, rồi trend coin sàn & IEO nửa đầu 2019.

Phái sinh Crypto thực tế không phải mới có mặt trên thị trường mà nó đã có mặt từ rất lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây chúng ta thấy số lượng sản phẩm sàn cho giao dịch phái sinh ngày càng nhiều. Khi mà các trend về coin sàn hay IEO đang dần qua đi thì xu hướng giao dịch margin, phái sinh đang ngày càng rõ rệt.

Thậm chí, ông lớn như Binance cũng đã thâu tóm sàn phái sinh JEX để mở rộng hệ sinh thái của mình. Cùng với đó là các sàn khác như KuCoin ra mắt KuMEX, và trước đó là OKEx, hay Bibox, BitMEX. Sự vận động này có thể coi là sự trưởng thành của thị trường Crypto.

Ở đây, mình muốn liên tưởng một chút tới cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009. Khi mà các tài sản, nợ, lãi suất được mang đi cầm cố và họ lại dùng tiền đó để đi đầu tư, cầm cố tài sản khác.

Ở một góc nhìn khác thì ta thấy cách làm này tương tự như việc dùng đòn bẩy tài chính & margin. Và sau khi quả bong bóng nổ tung thì hệ quả của nó thế nào nhiều anh em đã nắm được. Theo mình, anh em có thể tự google search & nếu có thời gian mình cũng khuyên anh em nên đọc cuốn “Thương vụ để đời” để hiểu hơn về giai đoạn kể trên.

So sánh với cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009, chúng ta thấy nét tương đồng khi mà sàn giao dịch ngày càng nhiều và cũng càng nhiều các sản phẩm margin, derivatives. Ví dụ rõ ràng nhất là các sàn có margin thường đi kèm với dịch vụ lending. Họ dùng coin lending được để cho những trader chơi margin vay lại. Từ đó tạo ra một vòng lặp.

Thử coi Crypto là 1 nền kinh tế toàn cầu thu nhỏ. Liệu đây có phải là khởi đầu của một bong bóng đang phình to ra? Khi nào bong bóng sẽ nổ, liệu chúng ta có còn lại các công ty, dự án hay những gã khổng lồ như Amazon, Apple, Microsoft?

Tổng kết

Trên đây là bài tổng quan về thị trường phái sinh trong Crypto. Hy vọng anh em sẽ sớm nắm bắt được các kiến thức về giao dịch phái sinh Crypto rồi vận dụng nó để kiếm lợi nhuận từ thị trường.

Theo C98

Bài viết liên quan

GỬI PHẢN HỒI

Vui lòng để lại bình luận!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Đọc nhiều nhất

spot_img

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once