Bitcoin là gì? Giải thích về Bitcoin cho người “mù công nghệ”

spot_imgspot_img

Bạn sẽ nghe rất nhiều người định nghĩa: Bitcoin là tiền điện tử được tạo ra bởi một nhân vật bí ẩn tên là Satoshi Nakamoto. Nhưng cách định nghĩa này dường như chỉ dành cho những ai đã hiểu thế nào là tiền điện tử? (ngay khái niệm này cũng đã bị sử dụng nhầm lẫn), và phải hiểu thế nào là công nghệ blockchain?

Bài viết sẽ thử giải thích Bitcoin là gì theo cách “dân dã” nhất, mong rằng đến người “mù công nghệ” cũng hiểu ra được.

Bitcoin là gì?

Trước khi đưa ra một định nghĩa đầy đủ, chúng ta sẽ đi từng bước như sau:

Thứ nhất, Bitcoin là “tiền”

Trên thực tế, điều này hẳn không dễ dàng được sự đồng thuận mọi chính phủ. Người ta chỉ xem Bitcoin như một tài sản có giá. Nhưng ngay từ lúc được tạo nên, Bitcoin đã được cha đẻ của nó trao cho sứ mệnh như một loại tiền tệ để thực hiện chức năng giao dịch giữa hai bên một cách trực tiếp (từ ngữ chuyên môn gọi là giao dịch ngang hàng, tiếng Anh là giao dịch P2P – peer to peer).

Khi bạn cầm một tờ giấy bạc (VND) đi đến một cửa hàng để đổi lấy một kg gạo, đó là bạn đã thực hiện một giao dịch trực tiếp (P2P). Ở đây, tiền đóng vai trò như một vật ngang giá cần thiết để người ta cất giữ giá trị lao động và chi tiêu chính giá trị đó để đáp ứng nhu cầu bản thân.

Từ buổi bình minh của nền kinh tế, con người thậm chí đã lấy răng cá mập để làm “tiền”. (hay trong hiểu biết ngây ngô của một đứa con nít, những cái nắp chai được sưu tầm để làm “tiền” trong trò chơi của riêng chúng). Theo bản năng, con người tự quy những thứ gì vừa “hiếm” và vừa được xã hội công nhận là “quý” thì họ chọn nó làm “tiền”.

Bitcoin cũng là thứ vừa “quý” và vừa “hiếm” như thế. Nhưng nói đến đây sẽ có nhiều người phản đối: “Bitcoin quý và hiếm với anh nhưng với tôi nó chẳng quý mà cũng chẳng hiếm!”. Phải! Cái mấu chốt ở đây là niềm tin. Chẳng ai đặt vấn đề niềm tin với vàng cả. Nhưng Bitcoin quá mới mẻ, khiến nó đứng giữa một cuộc xung đột về niềm tin của toàn thể nhân loại. Điều đó khiến giá của nó biến động mạnh. Nhưng dường như, càng về sau này, niềm tin rằng “Bitcoin vừa hiếm vừa quý” đang dần chiếm ưu thế.

Thêm một vấn đề khác đối với công chúng nữa là, họ sẽ đặt câu hỏi: “Vì sao Bitcoin là tiền mà tôi lại không sờ vào được?”. Chính vì không thể cảm nhận tiền bằng giác quan, nên nhiều người đâm ra gọi Bitcoin là “tiền ảo” (tức không thật). Tội nghiệp Bitcoin! Chúng ta sẽ cố giải nỗi oan này ở phần thứ hai.

Thứ hai, Bitcoin là tiền, nhưng là tiền mã hóa

Câu chuyện đến đây bắt đầu khó hiểu hơn, hay kén người hiểu hơn. Toán học vốn không phải là thứ nhạc Pop khiến ai cũng dễ dàng say mê. Ấy vậy mà toán học lại chính là nền móng xây dựng nên Bitcoin. Có thể bạn đã bước qua được “khổ ải” đầu tiên để chấp nhận Bitcoin là tiền. Nhưng hiểu Bitcoin là tiền mã hóa thì hoặc là: bạn phải tự đặt mình vào tâm thế của một người hiểu rõ giá trị của mật mã học, hoặc là: bạn tin vào phát biểu đó như một giáo lý.

“Mã hóa để làm chi cho phức tạp vậy?”. Khi hỏi câu như thế nghĩa là người hỏi chưa hiểu được giá trị của việc mã hóa. Trong thế chiến, quân đồng minh sở dĩ chiếm thế thượng phong là bởi vì họ đã giải mã được những thông điệp bị mã hóa bởi máy mã hóa Enigma của Đức quốc xã. Mã hóa là để cho thông tin được bảo mật trong quá trình nó được “gửi đi”, cuối cùng chỉ có người gửi và người nhận là biết được.

Hình thức bảo mật thông tin đơn sơ nhất mà một đứa trẻ tự học được: là nói thỏ thẻ và kề miệng sát tai người nghe. Giao dịch P2P đơn sơ nhất như ví dụ ở phần trên cũng vậy. Bạn cầm tờ giấy bạc (VND) vào tận cửa hàng để đổi lấy gạo, nếu không bị ai vô tình hay rình rập, thì thông tin giao dịch này chỉ có bạn và người bán biết. “Thông tin giao dịch có gì đâu mà phải bí mật vậy?”. Nếu chỉ là mua gạo thì có ai biết cũng không đáng lo, nhưng hãy nhìn ở tầm vĩ mô. Sẽ ra sao nếu mọi thông tin giao dịch của con người đều được công khai đầy đủ? Thế giới sẽ loạn mất ngay cả khi đó là một giao dịch chính đáng.

Vấn đề tiếp theo sẽ là, làm sao để giao dịch được với tất cả mọi người mà không cần phải đi đến tận “cửa hàng” của họ và “thỏ thẻ” vào tai họ?. Đây là lúc chúng ta biết ơn Internet – chính là mạng lưới các máy tính lưu trữ thông tin có thể truy cập được trên quy mô toàn cầu). Khi Internet bùng nổ, thế giới trở nên “phẳng” hơn bao giờ hết (theo cách diễn đạt của Thomas Friedman). Tiền được mã hóa lại (là Bitcoin) và gửi đi thông qua Internet cho đến tận đối phương cách nửa vòng trái đất cũng chẳng vấn đề gì.

Nói đến đây, có thể bạn sẽ hỏi “Sao phải quá quan trọng giao dịch P2P, chẳng phải hệ thống giao dịch liên ngân hàng cũng làm đảm nhiệm các giao dịch thông suốt hay sao?”. Câu hỏi này là dễ trả lời nhất, chúng ta cùng đến với phần thứ ba.

Thứ ba, Bitcoin là ứng dụng của công nghệ blockchain

Khi nền kinh tế loài người ngày càng phát triển và nhu cầu trao đổi hàng hóa trở nên lớn hơn, khối lượng hàng hóa trở nên đồ sộ hơn thì tiền bắt đầu có những bước chuyển hóa. Tiền không còn giữ nguyên hình thái kim loại như thời La Mã Thái Bình. Không phải quốc gia nào cũng đủ vàng và bạc để đúc ra những đồng xu nguyên khối. Lúc này, vàng trở thành thứ “bảo chứng” cho tiền giấy, và quyền in tiền giấy thuộc về các chính phủ. Ngân hàng trở thành trung gian cho phần lớn giao dịch.

Ngân hàng cũng chỉ là con người mà thôi, chứ không phải thần thánh gì. Một khi mà ngân hàng có thể in được tiền, thì sao để đảm bảo tiền luôn giữ được tính “hiếm” nữa. Mà bạn biết đấy, một thứ nào đó mà nó không còn “hiếm” nữa, ắt nó sẽ không còn “quý” nữa. Lịch sử đã cho chúng ta bằng chứng. Nhiều người cho rằng chính khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 là nguồn cảm hứng để Satoshi Nakamoto tạo nên Bitcoin. Vậy làm cách nào để loại bỏ được quyền lực tập trung như ngân hàng (hay chính phủ)?

Nếu tuổi thơ bạn có đọc Thần Đồng Đất Việt tập số 2 sẽ không quên không câu chuyện này. Quán ăn của bà Tám Tiền bị cháy và cuốn sổ ghi nợ cũng bị cháy mất. Cuốn sổ nợ này rất quyền lực, bà Tám Tiền lỡ tay ghi thêm một dòng là thêm một khoản nợ (double spending), gạch một dòng là khoản nợ đã xong. Bà Tám Tiền chính là ngân hàng. Thật đáng sợ khi có một “con người” nắm trong tay quyền sửa đổi được dữ liệu tài chính.

May mắn cho bà, Trạng Tí với trí nhớ siêu phàm trong một lần vô tình đọc qua đã ghi nhớ hết các khoản nợ và giúp bà đòi lại được tiền. Đáng buồn là thế giới lại không có ai đủ khả năng siêu phàm để nhớ chính xác và đủ tin tưởng như Trạng Tí. Thế nên, blockchain ra đời để đóng vai trò trở thành một hệ thống ghi nhớ chính xác (không thể sửa đổi) và đủ tin tưởng (không cần đến ngân hàng trung gian). Bitcoin chính là ứng dụng nổi trội nhất sử dụng công nghệ blockchain.

Để hiểu sâu hơn về cấu tạo của blockchain tạo sự tin tưởng ra sao, mời bạn đọc bài “Blockchain là gì?” (một lần nữa, toán học sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng).

Như vậy, tổng kết lại: Bitcoin là gì?

Kết hợp tất cả những giải thích trên, chúng ta có thể tự tin định nghĩa Bitcoin như sau:

Bitcoin là tiền tệ dưới dạng thông tin mã hóa được lưu trữ bằng công nghệ blockchain và được sử dụng để giao dịch P2P trên cơ sở hạ tầng Internet.

Có thể định nghĩa này hơi khác so với những gì bạn thường nghe/đọc đâu đó, nhưng nó bao hàm đầy đủ những khái niệm quan trọng nhất để tạo nên Bitcoin. Và chúng tôi cũng hạn chế sử dụng chữ “tiền điện tử” (digital currency) để tránh nhầm lẫn với tiền do ngân hàng phát hành và dùng trên internet, nhưng nhấn mạnh “tiền mã hóa” (cryptocurrency) để thể hiện bản chất mã hóa thông tin của Bitcoin.

Nếu bạn cảm thấy bài viết này giải tỏa được thắc mắc của bạn, hãy chia sẻ nó để ủng hộ TheCoinDesk. Hoặc tham gia nhóm Telegram của chúng tôi để cập nhật những bài viết mới nhất nhé.

Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản một cách thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Người đọc tự trách nhiệm với bất kỳ hành động nào thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi. Tại Learn, ưu tiên của chúng tôi là cung cấp thông tin chất lượng cao. Chúng tôi dành thời gian để xác định, nghiên cứu và tạo ra nội dung giáo dục hữu ích cho độc giả. Để duy trì tiêu chuẩn này và tiếp tục tạo ra nội dung tuyệt vời, các đối tác của chúng tôi có thể thưởng cho chúng tôi một khoản hoa hồng cho các vị trí trong bài viết của chúng tôi. Tuy nhiên, những khoản hoa hồng này không ảnh hưởng đến quy trình tạo nội dung không thiên vị, trung thực và hữu ích của chúng tôi.

theo beincrypto

Tidus
Tidus
Thích crypto, nghiện NFT

Bài viết liên quan

GỬI PHẢN HỒI

Vui lòng để lại bình luận!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Đọc nhiều nhất

spot_img

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once